Thứ tư, ngày 09 tháng 07 năm 2025
16:19 (GMT +7)

Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên - 38 năm gắn bó, kiến tạo và kỳ vọng vươn xa

Khi những tia nắng cuối của một nhiệm kỳ rọi xuống, cũng là lúc “tấm toan mỹ thuật Thái Nguyên” chờ đón những nét vẽ mới đầy sắc màu hòa nhập và hội nhập. Trong thời khắc Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, lòng người không khỏi lắng lại. Nhưng vượt lên trên hết vẫn là những trăn trở cho tương lai; là niềm tin mãnh liệt vào sự tiếp nối, lan tỏa và vươn xa của mỹ thuật tỉnh nhà.
Chi hội Mỹ thuật (tiền thân là Phân hội Mỹ thuật) là một trong những phân hội - chi hội đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái (thành lập năm 1987). Từ những ngày đầu chỉ với vài hội viên, đến nay Chi hội đã trở thành một tập thể đoàn kết với quân số chính thức là 28 hội viên (có 16 hội viên Trung ương) - những họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ tạo hình đã và đang bền bỉ kiến tạo bản sắc mỹ thuật Thái Nguyên, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, lan tỏa giá trị nghệ thuật ra cộng đồng, khu vực và quốc gia.
Những dấu ấn không phai
Giai đoạn hình thành và định hướng (1987 - 1995)
Ra đời trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thời hậu bao cấp, Chi hội Mỹ thuật khởi đầu với 8 hội viên - chủ yếu là họa sĩ, với một nhà điêu khắc duy nhất. Trong điều kiện thiếu thốn về vật tư, chất liệu, không gian sáng tác, các nghệ sĩ vẫn miệt mài cầm cọ, bám trụ với nghệ thuật như một lý tưởng sống.
Những tên tuổi đầu tiên như Dương Thị Nội, Lê Như Hạnh, Nguyễn Văn Chính, Đặng Cử… chính là những người đặt nền móng vững chắc, tạo dựng lối đi riêng cho mỹ thuật tỉnh nhà. Đặc biệt, cố họa sĩ Dương Thị Nội - Chi hội trưởng đầu tiên, bà không chỉ là người nghệ sĩ tài năng mà còn là người truyền lửa, xây dựng tổ chức, kết nối các họa sĩ trong và ngoài tỉnh, đưa mỹ thuật Bắc Thái dần hội nhập với khu vực.
Buổi tập huấn Mỹ thuật năm 2022 của Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên
Buổi tập huấn Mỹ thuật năm 2022 của Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên
Một số tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này vẫn được lưu giữ tại các bảo tàng quốc gia và địa phương, như: “Sloong sly” - tượng gỗ (Hứa Tử Hoài); “Đến trường” - sơn mài (Lê Như Hạnh); “Tỉn Khau ngào” - lụa (Dương Thị Nội); “Đấu khèn” - lụa (Trần Tuấn Vinh)... minh chứng cho giá trị đỉnh cao và trường tồn đạt được ngay từ buổi đầu.
Giai đoạn ổn định - phát triển (1996 - 2010)
Bước sang giai đoạn ổn định, Chi hội từng bước mở rộng các hoạt động nghệ thuật: tổ chức triển lãm tại tỉnh, tham gia triển lãm khu vực và toàn quốc. Đây cũng là thời kỳ khẳng định vai trò của lớp họa sĩ trung niên như Trần Tuấn Vinh, Nguyễn Thế Hòa - những người vừa gìn giữ truyền thống, vừa mạnh dạn đổi mới trong chất liệu và tư duy tạo hình.
Mỹ thuật Thái Nguyên không còn khép kín trong xưởng vẽ mà đã bắt đầu bước ra cộng đồng: tham gia các hoạt động giáo dục, giao lưu nghệ thuật với các ngành, các địa phương. Những chuyến đi thực tế đến các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khu di tích lịch sử, khu công nghiệp… đã mang lại những tác phẩm giàu cảm xúc, đa chiều về hiện thực xã hội và con người Thái Nguyên.
Các tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn này như: “Người Dao đi chợ” - sơn dầu (Nguyễn Thế Hòa); “Thiếu nữ Thái” - sơn dầu (Trần Tuấn Vinh); “Ông già sông Chu” - bột màu (Nguyễn Duy Sơn); “Đường nét công nghiệp” - sơn dầu (Đặng Cử); “Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao” - điêu khắc xi măng (Hứa Tử Hoài)... thể hiện sự đa dạng ngôn ngữ tạo hình và chất liệu, phản ánh sâu sắc hiện thực và khát vọng nghệ thuật.
Giai đoạn đổi mới - hội nhập (2010-2025)
Từ năm 2010 đến nay, dưới sự điều hành năng động, sáng tạo của Chi hội trưởng Nguyễn Gia Bảy cùng Ban Chấp hành Chi hội khóa VI và VII, mỹ thuật Thái Nguyên có nhiều bước chuyển mình đáng kể. Không chỉ dừng lại ở những triển lãm truyền thống, Chi hội đã sáng tạo ra các mô hình triển lãm mới như “Không gian mỹ thuật Hương sắc gió ngàn” - kết hợp giữa mỹ thuật và văn hóa, giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và công chúng, giữa chất liệu truyền thống và đương đại.
Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên tổ chức đi thực tế, sáng tác tại tỉnh Lạng Sơn năm 2020
Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên tổ chức đi thực tế, sáng tác tại tỉnh Lạng Sơn năm 2020
Chi hội đã tích cực đưa mỹ thuật đến gần hơn với đời sống: từ trường học đến bảo tàng, từ khu dân cư đến không gian công cộng. Những chương trình mỹ thuật học đường, giáo trình nghệ thuật địa phương, triển lãm lưu động và tọa đàm tại các trường trung học, cao đẳng, đại học… đã mở rộng không gian giáo dục thị giác, khơi gợi tình yêu nghệ thuật trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Chi hội cũng mở rộng hợp tác, kết nối với các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội,… tham gia các triển lãm khu vực, toàn quốc. Nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III, Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc và các cuộc thi sáng tác logo, tranh cổ động, mỹ thuật ứng dụng.
Đặc biệt năm 2022, họa sĩ Hoàng Minh Đức với tác phẩm “Xóm vắng” - sơn dầu - đã đoạt Giải A khu vực III và Giải Ba toàn quốc, đánh dấu bước trưởng thành của lớp nghệ sĩ kế cận.
Những con người tâm huyết và gắn bó
Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên không chỉ là một tổ chức nghề nghiệp, mà còn là một cộng đồng sáng tạo giàu nghĩa tình. Với những người đứng đầu tổ chức, mỗi nhiệm kỳ mang một dấu ấn riêng: sự tận tụy của họa sĩ Dương Thị Nội, sự cẩn trọng của Nguyễn Văn Chính, sự hài hước nhân văn của Đặng Cử, sự năng động của Trần Tuấn Vinh, đến sự bao dung và bền bỉ của Nguyễn Thế Hòa và hơn một thập kỷ đổi mới, sáng tạo, gắn kết cộng đồng của họa sĩ Nguyễn Gia Bảy.
Không gian Triển lãm mỹ thuật “Sắc màu Việt Bắc” của 13 họa sĩ Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên  tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 2023
Không gian Triển lãm mỹ thuật “Sắc màu Việt Bắc” của 13 họa sĩ Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 2023
Không khí đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ hội viên luôn là sức mạnh nội tại quý giá của Chi hội. Những buổi triển lãm, phê bình, góp ý - nơi nghệ sĩ không chỉ chia sẻ kỹ thuật mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê - chính là chất keo bền chặt cho tổ chức này. Sự đồng hành của các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia trong Hội VHNT tỉnh cũng góp phần lan tỏa ảnh hưởng của Chi hội đến đời sống văn hóa chung.
Thời khắc chuyển giao - Kỳ vọng hội nhập và phát triển
Năm 2025, Hội Văn học nghệ thuật hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp nhất lại với nhau thành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, phù hợp với việc sáp nhập hai tỉnh. Các chi hội chuyên ngành, trong đó có Chi hội Mỹ thuật cũng được sáp nhập lại. Tổ chức mới của Hội hoạt động theo định hướng tinh gọn, liên kết liên vùng. Đây không phải là kết thúc mà là bước chuyển để thích ứng với bối cảnh hội nhập, phát triển đa chiều và yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh và Ban Chấp hành Hội thể hiện rõ kỳ vọng xây dựng một mô hình tổ chức mới hiện đại hơn, có khả năng huy động nguồn lực tốt hơn, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển không gian sáng tạo công cộng, thành lập bảo tàng mỹ thuật địa phương, trung tâm giáo dục nghệ thuật cộng đồng.
Niềm tin lớn nhất vẫn đặt nơi người nghệ sĩ - những “hạt nhân” của sáng tạo. Dù tổ chức có thay đổi, địa chỉ trụ sở có di chuyển, nhưng cây cọ của những nghệ sĩ vẫn thấm màu đất, nước, người - và vẫn kể những câu chuyện của Thái Nguyên bằng hình khối, sắc màu và xúc cảm chân thực.
Các họa sĩ nhận giải thưởng của Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024
Các họa sĩ nhận giải thưởng của Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024
Nhìn lại chặng đường 38 năm, Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên đã để lại một dấu ấn bền vững - không chỉ qua số lượng tác phẩm, giải thưởng, mà quan trọng hơn là ở tinh thần cống hiến, sự dấn thân và tình yêu nghệ thuật không ngơi nghỉ.
Xin tri ân những thế hệ nghệ sĩ đã thầm lặng vun đắp, giữ lửa sáng tạo. Xin trân trọng những người đã đưa vai gánh vác hoạt động chuyên môn, tổ chức, đào tạo, đối thoại, kết nối - để mỹ thuật Thái Nguyên không đứng ngoài dòng chảy hội nhập.
Chặng đường phía trước đang mở ra những cơ hội mới. Hãy tin rằng, từ những nét vẽ đầu tiên của năm 1987 đến hôm nay và mai sau, cây cọ của người nghệ sĩ Thái Nguyên vẫn luôn thấm đẫm màu sắc quê hương, vẫn luôn vẽ tiếp khát vọng hòa nhập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Nguyễn Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy