Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
05:05 (GMT +7)

Chuyện tình ở “hậu tuyến” & “hậu Điện Biên Phủ”

Những sự kiện chính và ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ đã có nhiều sách báo và hội thảo nói đến, tôi chỉ kể… chuyện tình của một “cặp đôi hoàn hảo” nổi tiếng ở hậu tuyến và “hậu” chiến thắng Điện Biên Phủ mà có lẽ nhiều người chưa biết.

“Cặp đôi” đó là tướng Cao Văn Khánh và Đại tá - Giáo sư - Bác sĩ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Khánh là Đại đoàn phó 308, còn bà Toản mới là cô sinh viên y khoa năm thứ 2 được điều lên mặt trận. Năm nay, bà đã 94 tuổi, nhưng mỗi dịp gặp, “cụ bà” và tôi vẫn gọi nhau là “chị - em” thân thiết, do “ngày xưa” ở Huế, hai gia đình từng quen biết.

Ảnh chụp màn hình: Đại tá - Giáo sư - Bác sĩ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm De Castries – nơi diễn ra đám cưới của bà với Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh ngày 22/5/1954
Ảnh chụp màn hình: Đại tá - Giáo sư - Bác sĩ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm De Castries – nơi diễn ra đám cưới của bà với Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh ngày 22/5/1954

Tháng 4 này, chị vừa được các con đưa lên Điện Biên Phủ thăm lại hầm De Castries – nơi 70 năm trước, đám cưới chị và vị “tướng lừng danh” Cao Văn Khánh được tổ chức ngày 22/5/1954. Một chương trình của VTV3 đã đưa tin này, nhưng một vài phút ngắn ngủi, người xem không biết vì sao lại có đám cưới “độc nhất vô nhị” từng được nhiều tờ báo – cả báo chí nước ngoài loan truyền từ rất nhiều năm trước.

Viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhà thơ Tố Hữu có câu: “Chín năm làm một Điện Biên”…; chuyện tình yêu của “cặp đôi hoàn hảo” Cao Văn Khánh - Ngọc Toản cũng phải sau 9 năm – kể từ lần gặp đầu tiên, mới đi đến đám cưới đáng gọi là “lịch sử” được tổ chức ngay sau đại thắng Điện Biên Phủ.

Thực ra, lần gặp đầu tiên có thể nói vui là “đụng độ” giữa hai người tại Huế, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cả hai, tuy xuất thân từ tầng lớp thượng lưu – hơn thế, nàng là dòng dõi “Tôn Thất”, con một đại quan Triều Nguyễn - nhưng hăng hái tham gia cách mạng rất sớm. Chàng trở thành chiến sĩ quân giải phóng sau khi “tốt nghiệp” Trường “Thanh niên tiền tuyến Huế” – một lớp học ngắn hạn gồm 42 học viên, do hai trí thức Tây học Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập trước thềm Cách mạng Tháng Tám, nhưng đã trở thành “Một hiện tượng lịch sử” (nhan đề cuốn sách NXB Công an nhân dân, 2006), vì từ đây đã có “hai Bộ trưởng Quốc phòng và 8 vị tướng”…

Còn nàng, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, sau khi hai anh trai xung phong Nam tiến, “nằng nặc xin mẹ cho đi bộ đội” tuy chỉ mới 15 tuổi. Như là “duyên trời định”, Ngọc Toản được phân vào Ban Quân y để rồi 9 năm sau tham gia trận Điện Biên Phủ, khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học y khoa tại chiến khu Việt Bắc.

Nàng đã “đụng độ” với chàng ngay sau khi nhập ngũ (tháng 9/1945), đóng quân ở đồn Phan Đình Phùng gần cửa Thượng Tứ; hàng ngày cùng chị bạn Lệ Tùng, được giao đến “Nhà thương Huế” (Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay) để nhận thuốc men, “chỉ mong đến cuối ngày xin ra phố ăn chè đậu xanh, bánh rán. Ngán nhất đụng phải ông trưởng đồn nghiêm khắc…” (*).

Ông “trưởng đồn” đó chính là Cao Văn Khánh! Mỗi lần hai cô “bộ đội nhí” xin ra cổng “thì luôn bị hỏi: “Ra ngoài mấy giờ về? Phải về đúng giờ đấy!”. Toàn thì thào với bạn: “Ghét cái ông hách dịch!”. Nhưng dân gian có câu: “Ghét của nào, trời trao của ấy”…

Ảnh bìa cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử”
Ảnh bìa cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử”

Đó là chuyện 7 năm sau... Còn lúc ấy, bất chấp “ông hách dịch”, có lần Toàn và hai bạn “lẻn ra sân ga Huế xem đưa tiễn các phân đội lên tàu “Nam tiến”… Có người gào to: “Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”. Rồi 3 cô liều lên tàu, vào mặt trận tính sau. Đến ga Quảng Ngãi, gặp anh bộ đội quen, nghe anh dọa “Cứ đi dò hỏi đơn vị thế này, có thể bị bắt, bị nghi là gián điệp, có thể bị chém bằng mã tấu đấy!”. Nghe sợ, các cô tiu nghỉu quay về Huế.

Sau đó, Huế “vỡ mặt trận”, chiến tranh lan rộng, chàng và nàng tuy chung “một con đường” đi theo Chính phủ Cụ Hồ kháng chiến, nhưng mỗi người một ngả. Chàng được Bộ Quốc phòng tin cậy, cử làm Khu trưởng Khu 5 theo quyết định do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16/10/1945. Rồi ra Bắc tham gia Bộ chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.

Gia đình muốn nàng yên phận theo đuổi học hành, nhưng ở Huế vừa học vừa tham gia hoạt động bí mật một thời gian, bị bắt ba lần, mẹ phải nhờ bà Từ Cung can thiệp mới được thả, rồi bị trục xuất khỏi Huế. Gia đình gửi vào Sài Gòn ở nhà một người quen, tưởng cho học Trường “Đầm” Couvant des oiseaux khỏi bị ai “lôi kéo” hoạt động, nhưng Toản lại “móc nối” ngay với cô bạn thân Bình Thanh trong tổ chức học sinh tranh đấu (Bình Thanh là bạn học cùng lớp với nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn; về sau, cô là Thư ký cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris). Mẹ sợ cô bị bắt liên lụy người thân, phải cầu cứu ông Vũ Xuân Chiêm (1923 – 2012. Ông quê Nam Định, từng bị tù Côn Đảo, ra tù về Huế tham gia Thành ủy Huế, về sau là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…). Ông Tôn Thất Long, anh Ngọc Toản hoạt động bí mật trong Thành ủy Huế, nên ông Chiêm đã giúp đưa cô ra Huế rồi gửi ra vùng tự do Khu 4 học Trường Huỳnh Thúc Kháng, qua đường giao liên vượt U Bò, Ba Rền vô cùng gian khổ…

Mãi đến năm 1952 - 1953, sau khi Ngọc Toản theo gia đình giáo sư Đặng Văn Ngữ ra chiến khu Việt Bắc, nhờ mấy người quen biết xúm vào “làm mối”, khó khăn lắm chàng mới tiếp cận được nàng. Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967) là anh rể Ngọc Toản, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Đông Dương năm 1937, từ năm 1943, đi du học ở Nhật và năm 1949 trở về nước tham gia kháng chiến. Trung tướng Võ Xuân Chiêm, trong truyện ký “Con đường cuộc đời” (NXB Công an nhân dân, 2006) đã cho biết, vào năm 1950, khi đang phụ trách Tổng cục Cung cấp, đã nhận được thông báo: “Chuẩn bị đón đoàn cán bộ Huế đưa gia đình giáo sư Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Được một trí thức tầm cỡ như thế động viên và hướng dẫn, chỉ một thời gian ngắn, Ngọc Toản đã có trình độ tú tài và thi vào khóa I Đại học Y vừa mở tại Chiêm Hóa.

Những năm 1952 - 1953, đây là một trung tâm tập trung rất nhiều trí thức hàng đầu Việt Nam theo Chính phủ Cụ Hồ. Tại đó, nhiều người đã “hăng hái” làm mối Ngọc Toản với Cao Văn Khánh, do chàng theo đuổi binh nghiệp vẫn sống cô đơn!

Người đầu tiên là ông Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (về sau ông là Chủ tịch Quốc hội) là phu quân của nhà văn Nguyệt Tú (còn gọi là Tuệ), cùng là bạn với Ngọc Toản thời “nữ sinh Đồng Khánh”. Ông Đạo gặp Cao Văn Khánh trước chiến dịch Hòa Bình, nhớ đến tấm ảnh vợ chụp với Ngọc Toản, “thấy hai người rất đẹp đôi… Không rời mắt khỏi tấm ảnh, Cao Văn Khánh nhận ra ngay “lính cũ” ở đồn Phan Đình Phùng, Đại đoàn phó xin ông Đạo ngay tấm ảnh và đút vào túi áo ngực”.

Sau đó, thì đi chiến dịch liên miên, cho đến lúc chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, nghe tin Ngọc Toản “đang học trong lớp Y khoa của giáo sư Tôn Thất Tùng, Cao Văn Khánh tức tốc lên xe, đạp tới ngòi Quẵng thuộc huyện Chiêm Hóa nơi có Trường Y, có phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành trong vùng ATK…”. Lúc đó, Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ đang nằm điều trị ở đây, rồi gặp giáo sư Tôn Thất Tùng…

“Cao Văn Khánh và Tôn Thất Tùng vốn quen nhau từ dạo Hướng đạo sinh ở Huế. Đến ngòi Quẵng trúng bữa ăn, mọi người dọn thêm chén bát, vui vẻ mời ông ngồi vào mâm luôn…”. Sau khi hỏi chuyện vợ con của Cao Văn Khánh, bà Ngọc, phu nhân của giáo sư Nguyễn Văn Huyên nói: “Phòng thí nghiệm của anh Ngữ mới có hai cô người Huế xinh lắm đấy, cô Toản và cô Hồng Vân…”. Thế là Giáo sư Tôn Thất Tùng hăng hái nhận làm “ông mối”.

Ảnh cưới của ông bà Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp ngày 22/5/1954 tại Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu gia đình, in trong cuốn sách đã dẫn)
Ảnh cưới của ông bà Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp ngày 22/5/1954 tại Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu gia đình, in trong cuốn sách đã dẫn)

Nói theo ngôn ngữ “quân sự” thì đừng tưởng “binh hùng tướng mạnh” là có thể thắng ngay, khi “đối phương” là cô nàng có tính cách “bướng” như Ngọc Toản. Hơn nữa, nàng và cô em Ngọc Trai (về sau là Phó Tổng biên tập báo “Văn nghệ” thời nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập) đã “giao ước”… không lấy chồng, để khỏi phận làm lẽ (vợ thứ) và ở góa khổ như mẹ! Hơn nữa, Ngọc Toản chưa thôi ân hận “sau cái chết của người bạn Trần Hậu – Đoàn trưởng Học sinh kháng chiến Thuận Hóa. Trước khi bị bắt, Hậu đã thổ lộ tình yêu với Ngọc Toản, khi đó 17 tuổi. Không những khước từ phũ phàng, Toản còn làm toáng lên vì Đoàn trưởng vi phạm cam kết không yêu đương khi đang hoạt động…”. Toản ân hận vì cứ nghĩ vì mình mà Hậu sơ ý bị địch bắt rồi thủ tiêu…

Thế nên giáo sư Tôn Thất Tùng “vẽ việc” gọi Toản đến để gặp Cao Văn Khánh không thành, phải “kéo Khánh cùng đi thăm bệnh buổi chiều. Thầy làm bộ tình cờ: “À, đây cũng là đồng hương Huế đây. Cô Toản biết anh Khánh không? Cao Văn Khánh ngạc nhiên, thoáng sững sờ… Vẻ trong vắt thánh thiện của cô gái trong tấm áo choàng trắng tinh khôi, như không phải giữa rừng sâu, làm ông bất giác lùi một bước… Toản ngập ngừng bắt bàn tay đang chìa ra lịch sự. Vừa khuất bóng thầy, cô sôi nổi nói với mấy cô bạn: “Cái ông mặt sắt đen sì này chỉ huy đồn Phan Đình Phùng ai mà chả biết…”.

“Tấn công phải cấp tập”, chiều đó, giáo sư Tôn Thất Tùng triệu tập thương binh nhẹ và sinh viên y khoa nghe Đại đoàn phó 308 nói chuyện chiến sự; còn Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đang “điều trị bệnh dạ dày nặng, quyết định đích thân đi trinh sát, binh vận (!)…”. Giáo sư mềm dẻo bảo Ngọc Toản cứ gặp anh Khánh một lần cho biết… “Chiến dịch binh vận” này còn bước quyết định hơn, khi ông Vương Thừa Vũ tìm đến gặp thân mẫu của Ngọc Toản (lúc đó bà cũng ở Chiêm Hóa, lo việc nội trợ giúp gia đình giáo sư Đặng Văn Ngữ…). Từ đó, chàng mới có thể viết thư cho nàng. Lá thư đầu tiên viết ngày 23/8/1953 mở đầu bằng ba từ “Đồng chí Toản” và có câu: “… Hiện tại trên con đường tranh đấu, tôi thấy có một người bạn đường trường, cùng một tư tưởng, cùng mục đích như Toản sẽ là một sự may mắn cho tôi…”. Khi Đại đoàn 308 hoàn thành chiến dịch “nghi binh” hành quân từ Thượng Lào trở lại Điên Biên Phủ, tình cờ chàng được gặp nàng trên đường đến nhận việc tại binh trạm tiền phương – Trạm 59 (T59)…

Một sự kiện quá bất ngờ, sau khi Đại đoàn chủ công 308 tiêu diệt đồi Độc Lập, Bản Kéo, “giữa lúc chiến sự ác liệt, Cao Văn Khánh nhận tin sét đánh; người yêu bị đưa ra tòa án binh…”. Tin chính xác vì do ông Lê Quang Đạo báo. Nguyên do ở Trạm 59 (T59), mỗi ngày phải lựa 100 thương binh đưa về tuyến sau điều trị, Ngọc Toản lo chuyên môn, hai anh đảm trách việc chuyên chở; trong điều kiện “quá thiếu thốn, thuốc men cho thương binh nặng không có. Thương binh tuyến trước chuyển về ngày càng nhiều. Đường sá hư hỏng, xe không có, thương binh bị ùn lại la ó. Toản làm việc kiệt sức từ sáng đến khuya…”. Đúng lúc đó, đoàn thanh tra chiến trường đến, mặc cho Toản trình bày, họ lập ngay tòa án binh; trước tòa, Toản nói quyết liệt hơn và được các thương binh làm chứng là cô đã làm quá sức, nên được tha bổng; còn hai anh, do công việc ít tiếp xúc thương binh, vẫn bị án, mấy tháng sau mới được minh oan, trả lại “đảng tịch”.

Đối với “cặp đôi hoàn hảo” này, chuyện “vụ án oan” chỉ là chút kịch tính thoáng qua, nhưng sự việc ở T59 hậu tuyến Điên Biên Phủ cho chúng ta biết thêm ở tiền tuyến, bộ đội ta đã gánh chịu những hy sinh to lớn như thế nào…

“Sự kiện bất ngờ” tiếp theo thì lại ở chiều ngược lại, tràn ngập tiếng hát tiếng cười. Bất ngờ, vì sau chiến thắng ngày 7/5/1954, trong khi Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh đang làm nhiệm vụ chỉ huy việc thu dọn chiến trường, trao trả tù binh thì theo “kế hoạch” khá “bí mật” do ông Trần Lương, Chủ nhiệm chính trị mặt trận “đầu trò” (ông sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, bí danh là Trần Nam Trung), cô sinh viên y khoa Ngọc Toản đang phụ trách Đội điều trị 2 ở Bản Tấu phải theo liên lạc đi suốt đêm để ngày 18/5 có mặt tại hầm De Castries – lúc này là trụ sở chỉ huy lực lượng thu dọn chiến trường do Cao Văn Khánh phụ trách.

Ngay sau khi được gặp lại người yêu, “ông Trần Lương đã đến giao “nhiệm vụ”: Trong đám tù binh, duy nhất có một nữ là điều tiếp viên hàng không, cô Geneviève de Galarrd. Ngọc Toản biết tiếng Pháp nên gặp, cho cô ta biết Hội Phụ nữ Việt Nam đã đề nghị Bác Hồ ân xá cho cô và khuyên cô ta viết thư cảm ơn nhân dịp sinh nhật Bác. Toản gặp Geneviève truyền đạt thông điệp, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 19/5 cùng bộ đội dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác…” 

(Sau này về Pháp, Geneviève de Galarrd đã viết cuốn sách “Une femme à Dien Bien Phu” (Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ) về gửi tặng Ngọc Toản “với tất cả lời cầu chúc chân thành cho Việt Nam”).

Xong công việc với cô Geneviève. Ngọc Toản xin trở lại đơn vị. Lúc này, cô sinh viên càng bất ngờ vì “nhiệm vụ” được giao tiếp là… đồng ý để đơn vị tổ chức lễ cưới với Cao Văn Khánh ngay tại căn hầm này! “Ngọc Toản sốc vì quá bất ngờ, thầm nghĩ đám cưới ở Huế luôn là nghi lễ trang trọng tôn nghiêm nhất, không thể thiếu cha mẹ gia đình, bánh phu thê, áo dài khăn đóng…”. Nhưng rồi ông Trần Lương và Cao Văn Khánh đã thuyết phục được cô sinh viên y khoa. Dân gian có câu “Hoa đến thì, hoa phải nở…/ Đến duyên em, em phải lấy chồng…”.

Cao Văn Khánh và Ngọc Toản chụp tại Điện Biên tháng 5/1954 (ảnh tư liệu gia đình, in trong cuốn sách đã dẫn)
Cao Văn Khánh và Ngọc Toản chụp tại Điện Biên tháng 5/1954 (ảnh tư liệu gia đình, in trong cuốn sách đã dẫn)

Đám cưới đáng gọi là “lịch sử” được tổ chức ngày 22/5 ngay tại hầm De Castries; “chiến trường không có hoa nên bộ đội trang trí hầm bằng các dù Pháp đủ màu… Kẹo Nuga, thuốc lá Phillip, rượu Tây do máy bay Pháp thả xuống mừng De Castries lên tướng, giờ là chiến lợi phẩm khách khứa đem tới chung vui… Chú rể hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La”… Đám cưới chỉ ngập tràn những nụ cười tươi như hoa…”

Sau đó không lâu, “đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng” được truyền thông ra cả nước ngoài, một minh chứng người Việt Nam tha thiết với cuộc sống hòa bình, hạnh phúc biết bao nhiêu; chỉ cầm súng khi đất nước bị xâm lược.

“Cặp đôi” này đã đi tiếp suốt cuộc kháng chiến lần thứ hai. Tướng Cao Văn Khánh tiếp tục là một trong những vị chỉ huy các chiến dịch ác liệt tại Quảng Trị từ cuối 1967 đến đầu năm 1973… Thật không may là ông bị nhiễm chất độc da cam và đã qua đời năm 1980. Một cú sốc tưởng có thể làm bà Toản suy sụp, nhưng với tính cách cứng cỏi và bản lĩnh “Bộ đội cụ Hồ”, sau thời gian công tác tại Viện Quân y 108, bà Ngọc Toản đã dành nhiều tâm huyết cho cuộc đấu tranh đòi quyền được bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam… Và điều không ai ngờ là ở tuổi 94, bà có thể trở lại Điện Biên Phủ, vẫn tươi tỉnh nói năng lưu loát với phóng viên, vui mừng trước những đổi thay của vùng đất từng là chiến trường ác liệt 70 năm trước…

Nguyễn Khắc Phê

---------

(*) Những dòng in nghiêng trong bài đều trích từ cuốn “Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử”, do PGS.TS Cao Bảo Vân thực hiện. NXB Trí thức, 2017. 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy