
Góc biếm họa số 8 (2025)

VNTN - Không thể phủ nhận, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cả thế giới, Việt Nam tất nhiên không thể là ngoại lệ.
Bởi vậy, Quốc hội khoá 14 sẽ "đau đầu" hơn khi đặt lên bàn nghị sự hàng loạt kế hoạch kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư công, cho cả năm sau và giai đoạn 5 năm tới, trong tuần làm việc trực tiếp đầu tiên của kỳ họp thứ 10, bắt đầu từ 2/11.
Chênh vênh tăng trưởng
Cũng hiếm có kỳ họp nào mà hoạt động của Quốc hội có 5 ngày rưỡi liên tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp như lần này.
Ba ngày đầu (từ 3-5/11) Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021, kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng được xem xét trong ba ngày này.
Như vậy, không chỉ các vấn đề của năm nay - năm bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, mà việc tính toán xây dựng hệ thống chỉ tiêu mới, việc cân đối, phân bổ nguồn lực cho phát triển những năm tới đều cần được cân đong đo đếm kỹ càng, trong bối cảnh diễn biến tiếp theo của COVID-19 vẫn là một ẩn số.
Về năm 2020, báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: đây là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.
Một trong những thành tích đặc biệt ấy là tăng trưởng cả năm ước đạt 2 - 3%, dù không đạt chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua 6,8%, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2021, Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6%, và con số này khiến Ủy ban Kinh tế Quốc hội băn khoăn. Có ý kiến tại Ủy ban cho rằng xây dựng mục tiêu tăng trưởng cần thận trọng hơn, tiếp tục đặt trọng tâm phòng, chống dịch bùng phát trở lại. Trường hợp cần thiết có thể xây dựng các phương án tăng trưởng, có các phương án về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) tương ứng với các phương án tăng trưởng kinh tế để chủ động, linh hoạt trong việc quản lý, điều hành. Có ý kiến đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu phấn đấu, không nên ấn định con số tăng trưởng cho năm 2021.
Quyết định các chỉ tiêu cho năm sau ở mức nào, vẫn phải chờ Quốc hội bấm nút, nhưng miền Trung đang lũ chồng lũ, thiệt hại chưa thể tính hết, thế giới vẫn căng mình với COVID-19 thì chẳng có đáp án nào là chắc chắn cho bài toán tăng trưởng.
Năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ nhận định, Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn xác định trong năm sau và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Có nghĩa rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP cả giai đoạn khoảng 6,5 - 7% vẫn khá chênh vênh.
Tấm chăn ngân sách kéo đầu hở chân
Ngay từ đầu kỳ họp, những con số thể hiện mức độ "nguy hiểm" của NSNN đã xuất hiện. Đó là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ của năm nay có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh đây là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.
Ủy ban này cũng báo cáo Quốc hội rằng, dự ước cả năm thu NSNN hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Để bảo đảm nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN với nhiều khoản phát sinh bởi dịch bệnh thì bội chi tất yếu phải tăng cao, năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP. Mức này, nếu so với bình quân của thế giới khoảng 3% là quá cao.
Đáng chú ý là, từ năm 2021, hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội được xây dựng dựa trên GDP điều chỉnh, dự kiến tăng 25,4%. Theo đó, tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên. Vì vậy, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ giữ mức bội chi NSNN dưới 4% GDP điều chỉnh (khoảng 3,9%) để kiểm soát chặt chẽ bội chi ngay từ năm đầu tiên của Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.
Tuy nhiên, kiểm soát chặt chẽ bội chi không có nghĩa là chỉ cắt và giảm.
Vào kỳ họp giữa năm nay của Quốc hội, Thủ tướng đã đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Đến kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Quyết thế nào, lại vẫn phải chờ Quốc hội, và những người bấm nút cũng chẳng hề dễ dàng khi chọn tán thành hay ngược lại, bởi tấm chăn ngân sách vốn đã hẹp nay lại càng hẹp hơn.
Tổng rà soát hậu chất vấn và giám sát
Sau ba ngày thảo luận về kinh tế xã hội, từ sáng 6/11 Quốc hội dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn, sau khi nghe Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Kỳ này, Quốc hội sẽ không chọn người trả lời chất vấn mà nội dung chất vấn liên quan đến vị Bộ trưởng, trưởng ngành nào, vị đó sẽ trả lời trực tiếp.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...