Thứ hai, ngày 05 tháng 05 năm 2025
18:00 (GMT +7)

Quốc hội bắt đầu sửa Hiến pháp, thông qua trước 30/6

VNTN- Sáng 5/5 Quốc hội Khóa XV bắt đầu Kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quang cảnh Phiên Khai mạc Kỳ họp
Quang cảnh Phiên Khai mạc Kỳ họp

Lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

 Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn” – ông nhấn mạnh.

Để triển khai nhiệm vụ này, theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm gồm 2 nhóm nội dung.

Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày.

UBTV Quốc hội dự kiến Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Nhiệm vụ của Ủy ban còn là tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Liên quan đến việc lấy ý kiến Nhân dân, tại cuộc họp báo chiều 4/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc này dự kiến thực hiện rất sớm, theo kế hoạch là từ 6/5, tức là sau khi Ủy ban được thành lập sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến Nhân dân và lấy ý kiến trong khoảng 1 tháng.

Sau đó, Ủy ban sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất là trước ngày 26/6 để làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.

Các đại biểu tham dự phiên Khai mạc sáng 5/5/2025
Các đại biểu tham dự phiên Khai mạc sáng 5/5/2025

Việc lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng cũng có ý kiến cho rằng hơi gấp, nhưng theo bà Thủy, lần sửa đổi, bổ sung này phạm vi không nhiều, chỉ 8/120 điều Hiến pháp, nội dung cũng tương đối cụ thể, rõ ràng.

“Trong lấy ý kiến Nhân dân lần này, Chính phủ đề  xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, thì có thể áp dụng hình thức tham gia ý kiến, lấy ý kiến thông áp VNeID. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai để lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng này. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến Nhân dân”, bà Thủy thông tin thêm.

Cải cách quản trị nhà nuc không làm nửa vời

Cũng trong phiên khai mạc Kỳ họp, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định quyết tâm của Chính phủ cả trong phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao cũng như cải cách thể chế.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, trong năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều giải pháp.

Như, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp; đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn cho đầu tư hạ tầng, công nghệ số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ và nhà ở cho người trẻ. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.

Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch – Thủ tướng nêu mục tiêu “tham vọng” với nhiệm vụ khá nhiều khó khăn.

Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội
Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội

Nội dung tiếp theo được người đứng đầu cơ quanh hành pháp đề cập là trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh số hóa tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, sẽ cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”.

Trong năm 2025, phải cơ bản xoá bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Thành lập “Quỹ nhà ở xã hội quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc,  tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy đến năm 2030, người đứng đầu cơ quan hành pháp báo cáo Quốc hội.

Trong 37 ngày làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp. Trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 11 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, bao gồm các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, quản lý vốn nhà nước, tài chính - ngân sách, giáo dục, khoa học - công nghệ, dữ liệu cá nhân, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

 

 Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy