Thứ bảy, ngày 03 tháng 05 năm 2025
06:53 (GMT +7)

Sách tết, lịch sử của nét đẹp văn hóa ngày xuân

Sách tết, sách dành cho độc giả trong dịp tết đến xuân về không chỉ là nét đẹp văn hóa của riêng dân tộc Việt Nam mà là nét đẹp chung của văn hóa nhân loại. Dù chưa có một nghiên cứu khoa học mang tính toàn cầu nào về nét văn hóa đặc trưng này, nhưng chỉ cần quan sát thị trường thế giới, chúng ta cũng có thể đưa ra nhận định chắc chắn rằng sách tết đã có lịch sử từ lâu và nở rộ vào mỗi dịp lễ tết mừng năm mới.

Bên trong Thư viện Quốc gia Pháp (BNF). Nguồn: gazette-drouot.com
Bên trong Thư viện Quốc gia Pháp (BNF). Nguồn: gazette-drouot.com

Tùy vào từng nét phong tục tập quán và tùy vào lịch thường niên của mỗi nơi mà sách được gọi bằng những cái tên khác nhau. Nếu như ở Việt Nam, chúng ta gọi tên “sách tết” hay “sách chơi tết”, thì ở những vùng đất khác, những ấn phẩm này có thể là sách Noel, sách năm mới... Cho dù là dưới tên gọi sách tết hay sách Noel, thì những ấn phẩm đặc biệt này luôn là món quà mà rất nhiều người ưu ái chọn để tặng nhau nhân dịp đầu năm.

Chẳng thế mà con số thương mại của sách tết luôn cao ngất ngưởng giúp các nhà xuất bản (NXB) hoàn thành con số doanh thu kinh tế của năm. Lấy ví dụ ở nước Pháp, một đất nước được coi là cường quốc của sách in, năm 2023, con số thương mại đến từ sách lên tới 3.000 triệu euros (một con số không hề nhỏ trong thời đại sách điện tử đang lên ngôi), trong đó 20% của con số này được thu từ sách Noel. Điều này cho thấy sách tết chiếm lĩnh một vị trí không nhỏ trong đời sống văn hóa của người dân.

Sách tết, những ấn phẩm mang tính giải trí cầu vui trong những ngày đầu năm

Nhà viết kịch Vũ Đình Long (1), Chủ nhiệm của NXB Tân Dân có lời bộc bạch trong lời kính cáo của cuốn “Sách xem tết – Mậu Thìn” đã viết như sau: “Bản quán xuất bản “Sách xem tết” này là có ý muốn nhân dịp Tân Xuân, hiến các bạn hàng một món “quà văn chương” có ích cho tinh thần, cho tri thức. Nội dung dẫu toàn văn chơi, nhưng bài nào cũng giữ một cái thái độ rất đúng đắn”. Năm năm sau, trong lời tựa của cuốn “Sách xem tết”, nhà viết kịch Vũ Đình Long viết tiếp: “Sách xem tết vốn không có chủ nghĩa gì cao xa. Sách xem tết vốn chỉ có mục đích rất thiển cận, rất tầm thường là cầu vui cho các bạn đồng chí trong dịp ngày xuân hớn hở, muôn vật tươi cười”.

Đơn giản vậy thôi vì sự thật chính là sách tết ở đâu cũng có chung một mục đích đơn giản là cầu vui, là mang đến cho độc giả những câu văn hay, những áng thơ đẹp, những bài báo mang tính tổng hợp các sự kiện của một năm đã qua và mở ra tương lai của một năm sắp tới, giúp độc giả có được những tiếng cười sảng khoái trong những phút giây thư giãn đầu xuân. Có lẽ chính lý do nội tại của việc xuất bản loại hình sách này đã giúp cho sách tết trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính toàn cầu bởi cho dù bạn là ai, là người dân của đất nước nào thì thú “chơi tết” luôn là một nhu cầu mang tính nhân văn.  

Đời sống văn hóa xã hội càng tiến bộ thì những nhu cầu này càng phát triển và do vậy những ấn phẩm này cũng ngày càng trở nên đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung bao gồm những ấn phẩm đủ mọi thể loại từ sách truyện, sách mỹ thuật, sách tư liệu, audiobook (sách nói), videobook (sách nghe nhìn)… đến những ấn phẩm báo chí mà chỉ cần nhìn qua minh họa cũng đủ thấy không khí lễ tết đang đến rất gần. Nếu như ở thời kỳ đầu khi kỹ thuật in ấn chưa phát triển, sách tết mới chỉ chú trọng về mặt nội dung sao cho vui tươi nhất thì ngày nay sách tết còn có tính mỹ thuật cao đáp ứng đủ mọi thị hiếu người đọc. Có thể nói, sách tết đã và đang trở thành những ấn phẩm không chỉ mang tính văn học mà còn bao hàm cả tính thẩm mỹ của thời đại.

Từ bao giờ Việt Nam có sách chơi tết?

Trong trào lưu văn hóa nhân loại đó, Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Không phải chỉ đến bây giờ khi ngành công nghiệp xuất bản nở rộ, những ấn phẩm sách tết mới thực sự rộn rã. Trên thực tế, cách đây gần một thế kỷ, sách chơi tết ở Việt Nam đã xuất hiện không kém đa dạng và phong phú ngay từ những ngày đầu.

Bìa cuốn “Sách xem tết - Mậu Thìn” của Tân Dân thư quán, 1928 (trái) và “Sách chơi xuân - Tân Vỵ” của, Nam Ký thư quán, 1931 (phải)
Bìa cuốn “Sách xem tết - Mậu Thìn” của Tân Dân thư quán, 1928 (trái) và “Sách chơi xuân - Tân Vỵ” của, Nam Ký thư quán, 1931 (phải)

Lần tìm trong kho tàng Thư viện Quốc gia Pháp (BNF – Bibliothèque Nationale de France), trong phần lưu trữ các tài liệu số hóa “Pháp – Việt Nam”, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy trong hơn 11.000 ấn phẩm, ngoài những ấn phẩm viết bằng tiếng Pháp, còn có hơn 700 tác phẩm viết bằng tiếng quốc ngữ. Một điều bất ngờ, trong số những cuốn sách đủ thể loại (sách thơ, sách truyện, tập văn, sách tư liệu…) in bằng tiếng Việt, có không ít những cuốn sách tết của rất nhiều các nhà xuất bản (2): Nhật Nam thư quán Dược Phòng, Nam Ký thư quán, Tân Dân thư quán, Hương Sơn Đường, Cao Bình, Minh Cường… cùng rất nhiều những ấn phẩm do các tác giả hoặc nhóm tác giả cùng xuất bản.

Điểm chung của hầu hết các ấn phẩm chơi tết xuất bản trong thời kỳ đầu chính là tựa đề của cuốn sách, chúng rất gần với chủ đề mùa xuân: Sách xem tết (NXB Tân Dân, Nhà in Cao Bình), Sách chơi xuân (NXB Nam Ký thư quán), Sách mùa xuân (NXB Nhật Nam thư quán)… Một vài ví dụ đủ để chứng minh ngay từ đầu sách tết ở Việt Nam đã có định danh rõ ràng để độc giả có thể ngay lập tức nhận danh các ấn phẩm.

Khác với sự khó xác định chính xác mốc lịch sử ra đời của sách tết ở nhiều nước trên thế giới, sách tết bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam có thể xác định được mốc lịch sử cụ thể. Cuốn sách tết có mốc thời gian lâu nhất trong số những tác phẩm hiện được lưu trữ tại BNF cũng như ở Thư viện quốc gia Việt Nam (ngoài ra chưa có một bằng chứng cụ thể hay một cuốn sách nào trước mốc thời gian này được phát hiện ở Việt Nam) mang tựa đề “Sách xem tết – Mậu Thìn” do NXB Tân Dân thư quán in năm 1928 với giá bán 0,25$. Cuốn sách tết đầu tiên này có độ dày 90 trang trong đó 37 trang đầu tiên dành cho các bài bình luận văn học và thơ xuân, từ trang 37 đến trang 77 dành cho các tiểu thuyết (ngày nay chúng ta gọi là truyện ngắn) về chủ đề mùa xuân, những trang còn lại dành cho quảng cáo đời sống văn hóa của nước nhà. Chính trong cuốn sách này, ở bài viết “Mừng xuân” in tại trang đầu dưới bút danh Tân Dân Thư Quán có viết:  “Chỉ biết rằng bài văn mừng xuân ở trong quyển “Sách xem Tết” này chẳng giống với bài văn năm nào cả, vì trong mấy nghìn năm nay duy đến xuân này mới có “Sách xem Tết” là lần thứ nhất”.

Ghi chép này có thể coi là một minh chứng chính xác cho phép xác định cuốn “Sách xem tết” in năm 1928 của Tân Dân chính là cuốn sách đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của sách tết tại Việt Nam, khởi đầu cho loại hình sách xuân.

Những tưởng loại hình sách mới này sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả ở một quốc gia vào thời điểm mà cái ăn, cái mặc vẫn còn là mối quan tâm thường nhật nhưng như để đáp trả lại những hoài nghi đó, ngay lập tức sách tết đã trở thành một nhu cầu của đông đảo quần chúng. Sang đến năm 1929, không chỉ có Tân Dân mà nhiều NXB khác cũng bắt đầu xuất bản sách tết. Trên trang lời tựa của cuốn “Sách chơi xuân” do NXB Nam Ký thư quán xuất bản năm 1931 có viết: “Sách chơi xuân năm Kỷ Tỵ (3) là bước đầu của bản quán trong việc này, tất còn nhiều khuyết điểm mà vì các bạn đã quá yêu: phải hai lần tái bản. Lần lần bản quán mới lo bổ khuyết lại: đến quyển “Sách chơi xuân năm Tân Vỵ” này cũng chưa dám tự phụ là hoàn toàn; nhưng dám cả quyết với các bạn xa gần đã có lòng sốt sắng đối với bản quán từ bấy đến nay rằng: có phần hơn hai năm về trước, về phần bài vở cũng như phần sắp đặt”.

Bất ngờ hơn nữa là dù rất mới mẻ nhưng trào lưu sách chơi xuân dường như đã ngay lập tức trở thành một nét văn hóa của người Việt. Trên trang lời tựa của cuốn “Sách chơi xuân năm Quý Dậu”, một cuốn sách xuân khác do NXB Nam Ký thư quán có viết: “Vì xuân Nhâm Thân còn nhiều khách xuân chưa gặp được “Sách chơi xuân” như trong mọi xuân trước, nên xuân này mới bắt đầu có tiếng chào mới, chào ai còn chơi xuân, chào khách xuân, chào ai đã làm bạn với “Sách chơi xuân” trong suốt bốn năm trời nay: từ nay về sau, “Sách chơi xuân” xin hứa với các bạn hay thưởng văn xuân rằng, cứ nhất định mỗi xuân xin bắt tay các bạn một lần, và xin đưa các bạn vào vườn xuân ngày càng mới mẻ mãi, khiến cho bạn được ở trong cảnh xuân mà vui thú thưởng văn xuân…”.

Bìa cuốn “Sách mùa xuân xem tết” của Nhật Nam thư quán Dược Phòng, năm 1933 (trái) và “Sách xem Tết” của Nhà in Tân Dân, 1933 (phải)
Bìa cuốn “Sách mùa xuân xem tết” của Nhật Nam thư quán Dược Phòng, năm 1933 (trái) và “Sách xem Tết” của Nhà in Tân Dân, 1933 (phải)

Sách tết, một nét văn hóa truyền thống ngày xuân

Từ bấy đến nay, một thế kỷ sắp trôi qua kể từ khi những cuốn sách tết đầu tiên ra đời, đã có một giai đoạn dài Việt Nam hoàn toàn vắng bóng sách tết vì nhiều lý do kinh tế, xã hội… đặc biệt là từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, ngoại trừ các tạp chí, báo in truyền thống, những cuốn sách mang danh “sách tết” hay “sách chơi tết”, “sách xuân”… bỗng nhiên thưa dần rồi vắng hẳn. Điều này để lại một khoảng trống không hề nhỏ cho nền văn học nước nhà và cả nền kinh tế của lĩnh vực xuất bản vì nhu cầu chơi tết, thưởng xuân vẫn đó nhưng sách tết thì vắng. Thật may những năm gần đây, nhờ vào sự thức thời của các NXB một lần nữa chúng ta lại được chứng kiến sự trở lại với con số ngày càng nhiều của loại hình sách, báo chơi xuân.

Lý giải cho sự trở lại này có lẽ không phải tìm ở đâu xa xôi, ngay năm 1933 trong bài viết mang tựa đề “Văn chương với ngày xuân” in trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” năm Quý Dậu của NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng viết: “Không phải như hoa thơm cỏ lạ, tới ngày xuân mới phô sắc, phun hương; lại không phải như yến tía, oanh vàng, đợi ngày xuân mới tập bay, học nói; trái lại, văn chương là vật “không mùa”, nó không theo thời tiết mà thay hình đổi dạng […].

Vậy văn chương với ngày xuân có gì là quan hệ hơn những ngày khác?

Văn chương với ngày xuân vốn không quan hệ hơn các ngày khác chút nào. Song ở xứ sở này, vì tính tình, vì phong tục, vì sự truyền nhiễm lâu đời của số đông người, cho nên đối với ngày xuân, văn chương lại có giá trị đặc biệt.

[…] Vả, Thiều quang chín chục, gió ấm mưa êm, thời tiết ấy cũng hợp với sự đọc sách xem văn hơn các thời tiết khác. Trước những cảnh hoa đào dạn gió, tơ liễu buông mành, cái én đưa thoi, con oanh học nói, mà ta rót chén rượu, thắp nén hương, ngâm câu thơ, đọc những bài văn có ý vị, thì tính tình khoan khoái biết chừng nào. Thế thì văn chương tức là thứ thuốc chữa cho những bệnh: sầu xuân, cảm xuân, buồn vì xuân, ngao ngán vì xuân đó vậy”.

Lý do của sự tồn tại sách tết chỉ đơn giản thế thôi. Văn chương nói chung và đặc biệt là sách tết chính là một sự giải trí đẹp đẽ nhất trong những ngày đầu xuân năm mới, một sự chữa lành những mệt mỏi của một năm cũ. Cũng bởi sự đơn giản đó mà nơi nào có tết, nơi đó sẽ có sách tết.

Quyên GAVOYE

--------

([1]) Vũ Đình Long (1896 - 1960), soạn giả kịch, tác giả vở kịch nói bằng tiếng Việt đầu tiên “Chén thuốc độc” – 1921, người khai sinh thể loại kịch nói, một trong các thể loại văn học mới của người Việt ở thế kỷ XX.

(2) Đối với những sách in ra ở Hà Nội những năm trước 1954 hiện đang được lưu trữ ở BNF, đứng tên pháp nhân của những ấn phẩm xuất bản (tức là đảm nhiệm vai trò “nhà xuất bản”) có nhiều trường hợp, hoặc có thể là một “nhà xuất bản” với tên gọi cụ thể, hoặc cũng có thể là một hiệu sách (thường ghi bằng chữ Pháp là một “librairie” nào đấy), cũng có khi chỉ là một nhà in ( hoặc ghi bằng chữ Pháp “imprimerie” hoặc bằng chữ tiếng Việt “nhà in”), ví dụ nhà in “Nhật Nam”, Lê Cường”, “Thụy Ký”…

(3) Năm 1929.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy