Thứ ba, ngày 13 tháng 05 năm 2025
11:22 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Đường chúng ta đi”

Thái Nguyên yêu dấu

(Trường ca - trích)

 

Chương 1

Người Gia Bẩy

 

Trong ký ức phủ sương của tôi

Cầu Gia Bẩy như chiếc chõng tre

Lồng bóng dịu dàng lòng sông đắm đuối

Đầu cầu có cây me trăm tuổi

Nơi hò hẹn của cô gái Bến Than (1) ,

Gặp chàng trai sang từ Đồng Bẩm (1)

Con thuyền giăng buồm trắng

Bẽn lẽn trôi về Ba Đa (1)

Ai xá xíu, ai bánh đa…

Ai cà phê, ai phở nóng…

Tắc, tắc, que tre gõ vào đêm vắng

Người bán khẽ khàng rao

Ghé nhanh ô cửa sáng đèn

Mùi bánh bao lan phố nhỏ.

 

Trong ký ức phủ sương của tôi

Hoa ngọc lan ướp đêm thánh thiện

Lặng thầm khoe cánh trắng

Như một mảnh trăng thầm.

 

Trong ký ức của tôi

Bóng mẹ lẫn vào sương sớm

Lưng áo màu nâu sẫm

Mồ hôi ướt gót chân

Những làng Um, làng Hà, La Hiên, Phú Lương, Phấn Mễ… (1)

Bàn chân bé đo quãng đường dài

Hun hút bóng đêm

Mẹ nghĩ những gì?

Tiếng mẹ kể thì thầm sợ hãi

“Lính Tây lăm lăm cây kiếm

Nhà nhà đóng cửa

Tên tay sai Cung Đình Vận (2)

Đánh người chẳng ghê tay

Bánh xe bò kẽo kẹt, xác người đung đưa

Người chưa chết cũng hất xuống hố chôn, đằng nào chả chết

Bao năm qua, mồ chung còn đó…”

 

Trong ký ức của tôi

Mắt bố buồn man mác

Ngắm chiều tàn ráng hoàng hôn

Ngắm cây đìu hiu, người xơ xác

Tiếng thở dài nén thật sâu.

 

Trong ký ức của tôi

Phố nhỏ gập ghềnh sỏi đá

Chị tôi tóc phồng cặp ba lá (3)

Gia Bẩy (1) chiều về

Chật bến sông trẻ con nô nghịch

Con thuyền nhỏ giương lưới thức

Đám ốc mỡ bám tảng đá xanh.

            ***

Đứa trẻ là tôi lớn lên

Bi bô tiếng đầu gọi mẹ

Lẫm chẫm bước chân bến cát

Dõi tay mẹ ngắm bãi ngô non

Bên lở bên bồi, mẹ dạy con

Ngắm cây cầu chõng tre trưa hè mát lịm.

 

Giấc mơ tuổi thơ bảy sắc long lanh

Nát bươm bởi tiếng rít gầm máy bay giặc Mỹ

“Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý”

Bom nổ tứ bề, phố nhỏ chìm trong lửa

Bầu trời nóng bỏng, ngập mùi thuốc súng

Bom thả trúng hầm, trúng nhà, trúng cầu Gia Bẩy

Chân cầu khuỵu gãy, tay níu nhau chống đỡ.

Xác người vắt cành me

Tiếng la thét, tiếng gào khản đặc

Con tìm cha, vợ tìm chồng

Mâm cơm vỡ tung

Máu tươi đẫm miệng hầm

Mái ấm không còn dấu vết.

 

Trên đồi Két Nước (1)

Trung đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ (1)

Một cây thượng liên, chục cây súng trường

Các chiến sĩ dân quân: Vũ Đình Đức, Trần Văn Đương chỉ huy trận địa; Phan Văn Giao, chính trị viên; Nông Quốc Khánh, Hoàng Văn Đương, Lê Xuân Tảo: xạ thủ; các tay súng trường quả cảm: Phạm Việt Hùng, Nguyễn Trung Ái, Ngô Đình Quý…; y tá Nguyễn Thị Mỹ Dung từ Đồng Hỷ bò qua cây cầu gẫy sang trận địa chi viện cho đồng đội; các đồng chí: Phạm Quang Hợp, Nguyễn Thị Tuyết, Bùi Thị Vân, Phạm Văn Bồng, Trần Thị Kim Dung… đang sửa chữa hầm phòng không ở Bến Than Gia Bẩy dũng cảm vượt qua làn mưa đạn lao lên trận địa tiếp sức cho đồng đội… (4)

Chiếc đi đầu, chính diện. Bắn!!!

Những loạt đạn giòn căng.

Những đôi mắt găm vào mũi súng.

Phải bảo vệ cầu, bảo vệ nhân dân thành phố!!!

Quyết tâm cháy bỏng ém đầu viên đạn

Xua bầy giặc lái ra xa.

Nhưng kìa, một chiếc phản lực vút lên, gầm thét, bổ nhào

Thả bom trúng trận địa.

Ba mươi hai con người mang dòng máu thắm

Nhuộm đỏ đất này.

Mười lăm người bay lên áng mây

Có cậu bé mười bẩy, tình yêu chớm nở (5)

Có người bốn con thơ (6)

Có người hẹn vợ chờ bữa cơm trưa

Ôi, những chàng trai Gia Bẩy

Ra đi ngày Mười Bẩy tháng Mười (7)

Trăm năm, hay bao nhiêu nữa

Nỗi đau chưa bao giờ cũ

Các anh bay trên dòng sông này, trên cây cầu này,

À ơi, sông ru anh ngủ

Cây cầu như chiếc chõng tre

Ôm giấc mơ hiền hậu

Yên giấc nhé, các anh

Hồn các anh trẻ mãi cùng thành phố ngày càng nhuận sắc.

Mỗi lần qua cầu, chân tôi bước chậm

Mỗi nhịp cầu là một bản hùng ca

Thẳm sâu dòng nước hiền hòa

Mỗi nhịp sóng một pho truyện cổ

Tiếc lắm mình bé nhỏ

Không đủ lời kể trầm tích ngàn năm.

 

Chương 2:

 

Hầm kèo, nơi chúng tôi khôn lớn

 

Đêm Mười Bẩy tháng Mười

Người Thành phố ra đi

Rì rầm trong đêm

Bước chân mò mẫm

Đi, đi thôi, tránh hòn tên mũi đạn

Đi, đi thôi, rời bỏ căn nhà êm ấm

Chào nấm mộ vừa đắp cho người nằm xuống

Chào vòm cây lích chích tiếng chim

Chào sông Cầu nát vụn mảnh bom.

Đứa trẻ ngủ trên lưng cha

Mắt liu diu giấc mơ thập thững

Miệng chóp chép thèm sữa ấm

Vú mẹ căng quá bữa con thơ.

Cụ bà nương vào cây gậy

Lưng cong hơn mảnh trăng già

Chặng đường xa thật xa

Có là chặng cuối?

Đôi mắt đựng câu hỏi

Rồi tương lai về đâu?

Có chú chó quẩn chân

Hoang mang chạy trước chạy sau

Chú mèo ngoao ngoao

Tìm hơi ấm trong đám nồi xoong lộn xộn…

Phúc Trìu, Phúc Xuân, Bờ Đậu (1)

Cổ Lũng, Tân Cương, Tức Tranh… (1)

Những vùng quê xa lạ.

Đi, đi nào, đi xa thành phố

Xa nơi không muốn rời xa.

 

Người nhà quê ngơ ngác nhìn người thành phố

Đứa trẻ chăn trâu rụt rè tặng đóa hoa sim

Cỏ non hôn bàn chân chưa quen dẫm đất

Cất lên đôi tiếng thì thào

Chào đón chai sần sẽ đến.

Mẹ cắp chiếc nón mê đi chào hàng xóm

Người cho vạt đồi, người cho mảnh ruộng

Dạy trồng sắn cắm nghiêng hom

Dạy nhổ không đau rễ mạ

Nắm lá chè nhẹ thôi đừng để búp nhàu.

Người nhà quê giang tay đón người thành phố

Chia củ sắn nùi, bát nước chè tươi

Dạy đan rổ đan sàng lóng mốt lóng hai

Dạy cuốc đất gieo ngô, đánh luống trồng khoai

Dạy chuốt rạ lợp nhà, nhào bùn trát vách

Dạy chào hỏi râm ran đầu làng cuối ngõ

Người nhà quê ít khi đóng cửa

Người thành phố về cửa mở rộng hơn.

 

Em bé là tôi, má nẻ căng ngồi bên bếp guột

Ê a theo chị ra đồng, mót rảnh lúa kẹt trong kẽ rạ

Ngồi lưng trâu mộng nhong nhong

Đốt rạ nướng khoai lấm lem mặt mũi.

Lớp học bên bụi tre ngà, chân ghế nối đường hào chữ chi

Cô giáo gót nhuốm bùn, cầm tay tôi ram ráp

“O tròn như quả trứng gà”

Nét chữ đầu tiên bên miệng hầm trú ẩn.

 

Tôi quen tiếng kẻng báo động

Quen tìm hầm cá nhân đào cách quãng ven đường

Quen chiếc mũ rơm nặng trĩu

Biết bịt tai ôm đầu khi mảnh đạn văng tứ tung mặt đất

Biết ngửa mũi đón khí trời từ lỗ thông hơi

Đèn dầu lom dom soi chữ mờ chữ tỏ

 

Tôi quen ngửi mùi đất

Chơi với rễ cây loèo ngoèo

Ngắm thân tre ngả từ xanh mỡn sang vàng sậm

Tôi lớn lên dưới mái hầm kèo.

 

Đêm đêm, bố tôi dõi mắt về chốn cũ

Quầng đỏ rực lên, bom Mỹ thả rồi

Trong góc hầm nén tiếng thở dài

Không biết nơi nào thành hố bom sâu hoắm?

Liệu Bảo tàng còn không? Bưu điện còn không? Nhà bà Bích, ông Hùng, cây gạo, cây bàng, nhà mình còn không?

Mộ ông bà cỏ chưa kịp lên xanh

Chiếc nôi đan chưa xong

Con diều đang phết dở

Câu hát sổ tay chép ngang chừng

Liệu có còn không cho người về chắp nối?

 

Mấy chục cây số mà xa đến mười năm

Ngày trở về tôi thành thiếu nữ

Vĩnh biệt hầm kèo, vĩnh biệt mũ rơm

Chào nhé suối Thơm, cầu tre mảnh khảnh

Chào nhé ruộng vườn, bàn tay sẫm nhựa trà xanh

Chào khói đốt đồng xộc cay sống mũi

Chào xóm giềng lầm lũi

Chào con đường đỏ bụi loanh quanh

Tôi trở về phố xưa Gia Bẩy.

 

----

Chú thích:

(1): Tên địa danh của tỉnh Thái Nguyên;

(2): Tên tay sai khét tiếng của thực dân Pháp;

(3): Loại cặp tóc của phụ nữ, làm bằng sắt;

(4): Diễn biến trận đánh được ghi trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945-1975;

(5): Liệt sĩ Phạm Việt Hùng và Đỗ Duy Hiển, sinh năm 1948, mất ngày 17 tháng 10 năm 1965;

(6): Liệt sĩ Phan Văn Giao, sinh năm 1923, mất ngày 17 tháng 10 năm 1965;

(7): Ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ đánh bom cầu Gia Bẩy khiến cầu bị sập, gần 200 người dân khu vực cầu bị thương vong. Ngay trong đêm 17/10, nhân dân Thành phố được lệnh sơ tán khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tổ quốc tôi

Thơ 19 giờ trước

Bình yên Sài Gòn

Thơ 5 ngày trước

Vẫn xanh màu lính

Thơ 1 tuần trước

Trường Sơn lời gió hát

Thơ 1 tuần trước

Màu nắng vàng ngày ấy

Thơ 1 tuần trước

Ngày gặp mặt

Thơ 1 tuần trước