Thứ năm, ngày 08 tháng 05 năm 2025
23:46 (GMT +7)

“Tính chi li từng ngày” sửa đổi Hiến pháp 2013

Kết thúc hoạt động của cấp huyện, thực hiện tinh gọn bộ máy thì phải sửa Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “tính chi li từng ngày” để Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu cấp bách của đất nước.

Quang cảnh một phiên họp của kỳ họp thứ Chín tại hội trường Diên Hồng
Quang cảnh một phiên họp của Kỳ họp thứ Chín tại hội trường Diên Hồng

Chỉ sửa đổi 8 điều

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp Quốc hội thứ Chín đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban) cho biết, Ủy ban xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm có 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013), Phó Chủ tịch nêu, để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9 để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh tại khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 để thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 nêu trên.

Về Công đoàn Việt Nam (tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013), theo ông Định, trên cơ sở kế thừa hợp lý quy định hiện hành của Hiến pháp về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và bảo đảm thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Với tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương (tại Chương IX của Hiến pháp năm 2013), ông Định cho hay, thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, Ủy ban đề nghị chỉ quy định có tính khái quát về việc phân định các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 110 gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo Quốc hội việc sửa đổi Hiến pháp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo Quốc hội việc sửa đổi Hiến pháp

Đồng thời, thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương”; không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tại khoản 2 Điều 115 để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp.

Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp (Điều 2 của dự thảo Nghị quyết), Ủy ban đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày 1/7/2025. Để kịp thời thể chế các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần có quy định chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và điều khoản chuyển tiếp quy định việc chỉ định các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trong năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.

“Sắp xếp, sáp nhập thì dễ, bố trí cán bộ mới khó”

Sáng 7/5 nghe tờ trình, chiều cùng ngày Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Dự thảo). Hai dự án luật có liên quan mật thiết đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng được thảo luận đồng thời là Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Dự thảo Luật Cán bộ công chức sửa đổi.

Phát biểu tại tổ, các đại biểu đều nhất trí rất cao với sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp cũng như các luật trên để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sửa đổi Hiến pháp lần này, chỉ gọn trong khoảng 8/120 điều, liên quan tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, chứ không mở rộng.

“Nếu mở rộng sẽ đợi Đại hội Đảng lần thứ XIV xem có sửa Cương lĩnh thì mới sửa Hiến pháp cho phù hợp tình hình hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm. 

Theo Chủ tịch Quốc hội thì nhân dân, cử tri mong đợi những quyết sách của kỳ họp này. “Vì ai cũng mong muốn bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nhiều khóa rồi, Trung ương vẫn nói bộ máy cồng kềnh, biên chế phình ra. Trung ương khóa nào cũng có nghị quyết tinh gọn bộ máy. Vừa qua, giảm sơ sơ thôi chứ chưa làm quyết liệt. Lần này, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ trương hợp lòng dân”.

Nhưng, ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh rằng “sắp xếp, sáp nhập thì dễ nhưng bây giờ chọn cán bộ mới khó. Bố trí ai là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, HĐND cấp xã? Không phải cán bộ cấp xã nào hiện nay cũng làm được”, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi kết thúc cấp huyện thì phải làm rõ, việc gì giao về cho xã, việc gì chuyển về tỉnh quản lý.

Ông lấy ví dụ, chỉ 2 sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Tài nguyên Môi trường mà 3 tỉnh sáp nhập thì tổng cộng là 6 sở, 6 giám đốc sở, giờ chỉ còn 1 giám đốc. Phó Giám đốc sở thì có thể giữ nguyên trạng nhưng cấp dưới nữa thì phải tăng cường cho xã làm công tác chuyên môn.

Vì thế, ông nhấn mạnh lại là “sắp xếp thì dễ nhưng bố trí cán bộ mới khó” và chính vì tính chất phức tạp của việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập nên cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng phải họp với các địa phương.

Theo phương án dự kiến đã được công bố, sau sắp xếp, cả nước còn 34 tỉnh, thành (giảm 50% so với hiện nay), trong đó có 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh.

“Cấp xã còn 10.035, nếu theo chủ trương giảm 60 - 70%, còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ là còn 3.320 xã. Vấn đề này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tháng 5 này họp một số phiên xem xét thông qua thì mới có con số chính thức. Báo chí có lúc nói giảm còn 2.000, có lúc giảm 3.000. Con số này mới dự kiến, lúc nào Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, có nghị quyết tôi ký thì mới chính thức cả nước còn bao nhiêu xã”, Chủ tịch Quốc hội nói rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm là từ trung ương đến địa phương đều đang chờ đợi làm sao thật sớm, thật nhanh, “nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản thân tôi cũng tính chi li từng ngày, làm sao Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua để kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp cấp xã”.

Các đại biểu làm việc tại Tổ thảo luận số 13
Các đại biểu làm việc tại Tổ thảo luận số 13

Nên giữ quy định HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND

Một nội dung khác cũng được đại biểu quan tâm thảo luận là Hiến pháp 2013 đang quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND. Hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, Viện KSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và Viện KSND khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.

Vì vậy, như trên đã nói, Ủy ban đề nghị sửa đổi quy định của Hiến pháp theo hướng không quy định Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp. Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế).

Phát biểu tại tổ, đại biểu Thái Thu Xương (Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu đoàn Hậu Giang) bày tỏ không đồng tình với đề xuất sửa đổi và đề nghị giữ nguyên theo quy định tại Hiến pháp 2013. Vì TAND, VKSND là cơ quan tư pháp, thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình là báo cáo trước HĐND.

Vị đại biểu Hậu Giang dẫn lại báo cáo giải trình của Ủy ban dự thảo cho biết, sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, Viện KSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và Viện KSND khu vực, không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Bà lập luận: “Tôi cho rằng khu vực này sẽ trực thuộc TAND, VKSND cấp tỉnh và không có HĐND cấp trực tiếp thì HĐND cấp tỉnh sẽ thực hiện chất vấn Chánh án và Viện trưởng. Nhiệm vụ trả lời ở khu vực vẫn của Chánh án, Viện trưởng cấp tỉnh. Do đó, tôi mong giữ lại như quy định của Hiến pháp 2013 hiện hành. Đây cũng là một quyền giám sát của đại biểu tại kỳ họp”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cũng có cùng quan điểm. Bà nói, hiện nay quy định đối với đại biểu HĐND có quyền chất vấn với các thành viên, lãnh đạo UBND, các đơn vị như TAND, VKSND. Vậy nếu bỏ chất vấn với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thì ai sẽ thực hiện quyền này?.

Bà đề nghị quy định rõ để thể hiện đại biểu HĐND có quyền chất vấn với Chánh án, Viện trưởng để đảm bảo các yếu tố thực thi pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ trả lời các vấn đề liên quan với cử tri.

Chiều 24/6 hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp

Theo dự kiến, sáng 14/5 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân (ngày 5/6), phiên thảo luận toàn thể lần thứ hai sẽ diễn ra vào sáng 16/6. Các phiên này đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.

Chiều 24/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng được thông qua trong phiên họp này.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy