Thứ bảy, ngày 03 tháng 05 năm 2025
19:40 (GMT +7)

Văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975 - 2025) - Kỳ 3

Tiếp theo và hết

 (...)

3. Những vấn đề đặt ra nhằm thúc đẩy văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển bền vững

Cùng với những ưu điểm, thành tựu to lớn, quan trọng đạt được trong 50 năm qua, công tác lãnh đạo, quản lý và thực hành văn hóa, văn nghệ của ta mấy chục năm qua cũng bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng thể chế, thiết chế văn hoá, văn nghệ còn chậm, thiếu đồng bộ. Đời sống văn hoá, văn nghệ còn nhiều khó khăn, thách thức. Không có nhiều tác phẩm văn nghệ đạt đỉnh cao, chưa tương xứng với tầm vóc sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua. Đường lối xây dựng, phát triển văn hoá, văn nghệ giai đoạn sau năm 1975 có lúc, có việc còn bị chi phối bởi tư duy chính trị “nắm vững chuyên chính vô sản” mà thực chất là nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, đấu tranh “ai thắng ai” giữa hai con đường, đấu tranh hai phe, đấu tranh ý thức hệ. Mục tiêu, nội dung cuộc cách mạng tư tưởng, văn hoá giai đoạn này cũng bị quy định bởi cuộc cách mạng quan hệ sản xuất mà tư tưởng chỉ đạo là xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ mọi hình thức bóc lột càng nhanh càng tốt, là đưa quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đi trước một bước, tách rời trình độ phát triển thực tế của lực lượng sản xuất. Hậu quả nặng nề của chiến tranh cùng với cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp và tâm lý bình quân chủ nghĩa đã làm giảm động lực phát triển văn hoá, văn nghệ; kìm hãm năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ và rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước. Khi bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), sự phát triển của kinh tế số, xã hội số, văn hóa số, truyền thông số, trí tuệ nhân tạo (AI)…chúng ta cũng có những lúng túng, bị động, bất cập không nhỏ.

PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban LLPB Văn học nghệ thuật
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban LLPB Văn học nghệ thuật

Thực trạng hoạt động văn học, nghệ thuật nước nhà 50 năm qua và hiện nay đang đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá. Sự chuyển giao giữa thời chiến và thời bình, giữa nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; giữa bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi nhanh, đi mạnh vào nền công nghiệp 4.0 cho thấy đây là giai đoạn có những chuyển giao lịch sử quan trọng, dẫn tới sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao thời đại và có thể có những đứt gãy về văn hóa. Văn học, nghệ thuật cũng không là ngoại lệ. Điểm lùi thời gian càng ngày càng cho chúng ta thấy những chuyển đổi lịch sử quan trọng của văn học, nghệ thuật dân tộc đã và đang diễn ra từ thời điểm quan trọng này. Để có thể thúc đẩy đời sống văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, có nhiều thành tựu hơn nữa, theo chúng tôi, cần chú ý mấy vấn đề sau:

3.1. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ, kỹ năng, phương pháp, phương thức công tác của bộ máy lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, nhất là những cơ quan, đơn vị, ở những người trực tiếp quản lý, điều hành mảng công tác “rất quan trọng và đặc biệt tinh tế” này. Nếu khâu này yếu kém sẽ kéo theo sự yếu kém của cả hệ thống văn hóa, văn nghệ.

3.2. Tạo bước đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, coi trọng đội ngũ tinh hoa, chuyên nghiệp, chuyên sâu đồng thời không sao nhãng tính đại chúng của nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, từ đó nâng cao chất lượng các sáng tác văn học, nghệ thuật hướng đến những vấn đề quan trọng, thiết thực của cuộc sống, đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, cao hơn cả là nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm tự do và cảm hứng sáng tạo, nâng cao tính cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ, nhân văn. Các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ cần khích lệ, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động bổ ích, thiết thực như các giải thưởng văn học, nghệ thuật chất lượng cao, các trại sáng tác, các quỹ hỗ trợ tài năng trẻ và quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, tiến hành việc tổng kết, đánh giá hoạt động văn học, nghệ thuật một cách khoa học, chuyên nghiệp, khách quan, nghiêm túc…

3.3. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, sáng tạo nghệ thuật, viết lý luận, phê bình, nhất là đội ngũ trẻ; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, tư duy, trình độ, kỹ năng cho họ; đổi mới, nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật, thi pháp; đầu tư và hỗ trợ, khen thưởng những công trình, tác phẩm chất lượng cao. Tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người tâm huyết theo đuổi sự nghiệp sáng tạo văn nghệ, quan tâm đến việc bồi đắp ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp cho văn nghệ sĩ.

3.4. Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bắt kịp nhịp sống và hơi thở của dân tộc và thời đại, hiểu và tích cực, chủ động hội nhập với bên ngoài trên tinh thần giữ vững bản sắc và nội lực dân tộc, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể nghiệm, dám đột phá; uốn nắn các xu hướng lai căng, lệch lạc, đi ngược lại sáng tạo nghệ thuật chân chính. Tận dụng cơ hội mà cuộc chuyển đổi số mang lại cho cả xã hội, nhất là trong sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá, tiếp nhận tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật. Tận dụng thế mạnh, tiềm năng, cảm hứng, sáng tạo của văn học, nghệ thuật để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; lấy thành quả, nguồn lực từ công nghiệp văn hóa đầu tư, hỗ trợ để phát triển văn học, nghệ thuật. Tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ có điều kiện hội nhập với văn hóa, văn nghệ khu vực châu Á và thế giới. Tổ chức chọn lọc, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và của thế giới đến với công chúng Việt Nam. Cho xuất bản các sách, báo, tạp chí bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ cần thiết để quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và văn học, nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam.

3.5. Làm cho văn học, nghệ thuật trở thành một trong những phương tiện, liệu pháp đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chấn hưng văn hóa và hào khí Việt xoa dịu nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt đất nước; góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng khả năng và sự tinh tế của mình, văn học, nghệ thuật cần tỉnh táo nhận diện, cảnh báo và đề xuất giải pháp hạn chế tác động mặt trái cơ chế thị trường, của sự tha hóa của một bộ phận trong xã hội. Hàn gắn những chia cắt, cố kết lòng người, đem lại cảm thông, sẻ chia và hiểu biết sâu sắc cho các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có các văn nghệ sĩ là người Việt ở nước ngoài có mong muốn được hòa nhập vào dòng chảy văn hóa, văn nghệ trong nước. Văn học, nghệ thuật luôn đồng hành, tương hỗ cùng văn hóa, chính trị và kinh tế, cần trở thành nhân tố quan trọng trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới, trở thành một thành tố quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

3.6. Quan tâm hơn nữa đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên các mặt: quan điểm, tầm nhìn, tư duy; xây dựng và củng cố đội ngũ, nhất là đội ngũ trẻ giàu nhiệt huyết, bản lĩnh, trách nhiệm. Tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan văn hóa, văn nghệ chủ lực; kịp thời định hướng sáng tác, định hướng dư luận, giáo dục thẩm mỹ, làm “bà đỡ” mát tay cho các tác phẩm tốt.

Đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả với quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trong văn nghệ, báo chí, xuất bản. Sử dụng tốt hơn các phương tiện, loại hình công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật.

PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Trưởng Ban LLPB Văn học nghệ thuật

____________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên, 2016). Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, 2 tập, NXB. Khoa học xã hội.

2. La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (Đồng chủ biên, 2015).
Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài - kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, NXB, Đại học Quốc gia.

3. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2015): Lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

4. Hoàng Thị Huế (2018). Ba chiều cạnh của phê bình, NXB. Hội Nhà văn.

5. Tôn Thảo Miên (2016). Văn học Việt Nam: dấu ấn - giao lưu - tác động, NXB. Văn học.

6. Huỳnh Như Phương (2019). Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn, NXB Hội Nhà văn.

7. Lý Hoài Thu (2018). Những sinh thể văn chương Việt, NXB Văn học.

8. Lê Thị Hoài Phương (2023). Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam thời kỳ đổi mới: Chính sách và thực tiễn.

9. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2023). Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trang và Định hướng phát triển”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy