Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
04:56 (GMT +7)

“Chàng mục sư” Trần Hải Minh và hội họa Trừu tượng Biểu hiện

1. Từ lâu, tôi tự hỏi nghệ thuật có thật huyền bí như là một tôn giáo?

Đã có nhiều người cống hiến đời mình cho nghệ thuật. Nhiều thế kỷ qua, hết người này đến người khác, họ vẫn lao động sáng tạo.

Sự nghiệp của họ chứng minh nghệ sĩ đã sống vì những ước mơ cao đẹp!

Tôi không ý thức rằng nghệ thuật là một nơi đầy hoa thơm và trái ngọt, nhưng niềm tin trong tôi, không gì lay chuyển - Cái đẹp cứu rỗi lòng nhân ái và lương tâm con người.

Nghệ sĩ làm gì? Tại sao họ dấn thân “tử vì đạo” như thế?

Đường phố dưới không độ. Hoa tuyết rơi chơi vơi trên bầu trời. Những tháng ngày du học, biết bao nhiêu ngỡ ngàng, giữa mênh mông, Trần Hải Minh mong muốn lựa chọn con đường nghệ thuật cho mình.

Họa sĩ Trần Hải Minh
Họa sĩ Trần Hải Minh

2. Hội họa Việt Nam những năm trước đây như chỉ có một cách biểu hiện, một lối vẽ phản ánh, phục vụ xã hội - bộ đội chiến đấu, công nhân bên máy, nông dân sản xuất trên đồng lúa, trí thức cầm bút, đeo kính...  không gian trong sáng, tối sáng nóng lạnh, gần rõ xa mờ…

Nhưng rồi nghệ thuật vẫn “chưa xứng tầm thời đại, chưa đáp ứng nhu cầu…”.

Tuy rằng các họa sĩ Trí, Lân, Vân, Cẩn; Nghiêm, Sáng, Phái, Liên vẫn là niềm tự hào thượng thặng của Mỹ thuật Việt Nam thời nay. Nhưng trong phong trào “Hiện thực tình thế”, phần lớn sản phẩm mỹ thuật vẫn lảng vảng chất điện ảnh, sân khấu, đặc sệt chất "văn chương lá cải", minh họa cổ truyện...

Tranh của Trần Hải Minh; chất liệu: Acrylic
Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic

Giới mỹ thuật mong có sự thay đổi. Đã đến lúc cần trả lại sức mạnh cho ngôn ngữ của Hội họa. Phục hồi giá trị của màu sắc, sự tôn nghiêm lãng mạn của khối hình, đường nét,  chất liệu giàu có, no đủ - Nghệ sĩ được tự do ca ngợi không gian muôn màu muôn vẻ.

3. Con người trong tình huống của cuộc hiện sinh bắt buộc phải hành động. Những tình thế mới ấy chắp lại thành đời sống con người hôm nay... Hội họa tình huống có thể ghi lại những giây phút tức thời của cuộc sống. Thực tế của cuộc sống và nghệ thuật sau khi bức tường Berlin sụp đổ, được đào tạo mỹ thuật tại Đức, Trần Hải Minh như con mương nhỏ ra sông lớn, biển cả, hào hứng tiếp xúc với văn hóa thế giới.

 Yêu cầu của người xem tranh thay đổi. Họ cần có cái mới, có thể khó hiểu, chưa giải thích được nhưng nó có vẻ bí hiểm gợi trí tò mò, thách thức trước sự tìm kiếm khám phá Cái Đẹp của thời đại, đối thoại với nghệ thuật thế giới. Chúng ta phải đóng góp gì khi đang còn tự hào và phụng thờ những tuyệt tác của những bậc thầy đáng kính.

Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic
Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic

Trần Hải Minh trước mắt bị lôi cuốn với những tranh kích thước lớn, màu sắc và bút pháp - một thế giới không hình cụ thể khác thường làm xáo động tâm hồn anh...

Và anh hân hoan lựa chọn giữa: vẽ cái nhìn thấy, dựa vào bàn tay tái hiện cái thật, cảnh thật... hoặc, rung động diễn tả cảm giác trước đối tượng, làm chủ màu sắc, họa sĩ thể hiện cảm xúc của mình không giống như máy ảnh đã chụp lại.

Trừu tượng là bản chất và sự khởi đầu của tư duy hành động nghệ thuật - mạnh nhất, cảm nhận hiệu quả nhất, tránh gò hình ép ý.

4. Triết lý sống và triết lý nghệ thuật của mỗi người có khác nhau. Những cá nhân siêu phàm tìm kiếm cách biểu hiện đặc biệt, độc đáo, không giống ai trước và sau đó.

Tranh trừu tượng xuất hiện lẻ tẻ từ những thập niên 50, 60 ở nước ta, nhưng mấy năm gần đây khuynh hướng nghệ thuật trừu tượng đã phát triển hơn.

Sự lựa chọn thể hiện tinh thần giữa triết lý phương Đông và phương Tây - giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa khoảng lặng khái quát và sự phân tích khoa học vi mô. Phát triển bút pháp nội lực sôi nổi giàu cảm xúc thay vì lối diễn tả kỹ lưỡng, công bút tỉ mỉ, khoa học.

Kết hợp các chất liệu, thể thức diễn đạt và ngôn ngữ hội họa hoặc tối giản khiêm tốn đầy vẻ khiêu khích. Làm sống lại Tinh thần Biểu hiện Trừu tượng xuất hiện ở nước Mỹ của De Kooning, Gorky, Polock... 1945 - 1950, bổ sung thêm màu sắc từ chất liệu thời đại khoa học mới.

Tranh của Trần Hải Minh, người ta dần cảm nhận thấy màu đen sâu thẳm, cạnh những màu sáng rộng khôn cùng; đỏ rực cờ nổi lên vàng sáng sao; hồng như môi người thiếu nữ; xanh thắm bầu trời; xanh mát hy vọng và những khoảng màu tĩnh lặng, những vệt bút bạo liệt, những vết xước của bút lực thâm hậu phương Đông. Có khi ngập ngừng, đầy lên, dồn nén như sóng triều.

Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic
Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic

Bỏ qua những lời đàm tiếu rằng có một sự na ná nào đó với Willem de Kooning... Trần Hải Minh quan tâm đến sự minh triết của Ernst Wilhelm Nay, Emil Schumacher, sự thông tuệ của Sigamr Polke, Ansem Kieffer, tốc độ của Jack Son Polok... sự trầm ngâm thiền định của Mark Rothko, hoặc bay bướm như Gorky, Homezone, Howard Akley và các họa sĩ lừng danh khác.

Mạnh mẽ, khuỳnh khoàng, sôi nổi là biểu hiện Tinh thần Tự do của hội họa Trần Hải Minh.

5. Sự khẳng định nguyện vọng thẩm mỹ của thế hệ đương thời, chuyển hóa ngôn ngữ hội họa vào quỹ đạo mới, đúng với khả năng và tác dụng của nó, phù hợp với không gian nghệ thuật mới khi người nghệ sĩ có thái độ tích cực trước cuộc sống, từ bỏ chất cải lương, lừng chừng theo tính này tính nọ trong sáng tác.

Phát triển ngôn ngữ hội họa bộc lộ trách nhiệm công dân nghệ sĩ rõ nhất, trung thực nhất - như là một lời cảnh tỉnh phân biệt với loại nghệ thuật xu thời, không chân thực, bệnh hoạn, thiếu tư cách...

Người xem có thể hình dung tưởng tượng suy đoán phong phú trước tranh. Họ có thể yêu thích, ghét bỏ hoặc tìm thấy những người bạn tâm đắc trong suy tư và nỗi niềm của mỗi người. Họ thấy không bị gò bó bởi một nội dung chủ đề, một nhân vật không rõ về tiểu sử hoặc về tình ý sâu sắc của tác giả...

Bao nhiêu năm qua, hội họa chúng ta phải mang nặng những trọng trách “cao cả”, nên Biểu hiện Trừu tượng như một yêu cầu tất yếu để tìm thấy một vùng trời thoáng đãng thư thái tâm hồn.

 Họa sĩ thật thỏa mãn với những ý tưởng, cống hiến hết mình những giá trị tinh thần quý giá mà họ đã từ lâu mơ ước.

Thời gian và sự lao động nghệ thuật của Trần Hải Minh đúng với ý nghĩa câu “Tài năng trên đời là có thật”!

Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic
Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic

6. Không bắt chước học đòi, không vay mượn bề ngoài, trộm cái vỏ của người khác, với những nhát bút mạnh mẽ, Trần Hải Minh không đi sâu vào một đề tài cố định, không vẽ về một nội dung chủ đề cụ thể.

Tác giả không kể lể, không phụ thuộc mô tả thực tế phức tạp. Bức tranh được vẽ ra chính là thái độ, cách đối thoại với mọi người của tác giả. Chẳng có gì cụ thể mà vẫn giãi bày tâm trí người vẽ.

Khi quan niệm nghệ thuật thay đổi sẽ có nhiều đổi thay về nhận thức và phương pháp sáng tác. Tranh Biểu hiệu Trừu tượng của Trần Hải Minh không ngoài tinh thần cải cách ấy.

Thật lạ khi thấy nhiều hình vẽ nguệch ngoạc trên tường của những đứa bé.

Người ta kể chuyện vui có những con voi, con khỉ... tuy không biết ký tên, nhưng cũng nghịch màu văng vãi như người bôi quẹt màu trên tường hoặc vải vẽ.

Một họa sư Nhật Bản áo thụng, tóc búi, cầm một cái bút cực to, nhúng vào xô mực, đột ngột hét lên một tiếng, lấy hết lực vùng lên rồi đặt một nhát bút, kéo lê, nhún người, ngùng ngoằng một thoáng thành một hình vừa giống chữ vừa như một bức tranh, toàn nét ngang dọc đan nhau rất lạ mắt...

Hay tại sân bay quốc tế nọ, một cháu gái tóc vàng đi đôi giày cao cổ, ngồi cạnh người mẹ trẻ, khi nghe tiếng nhạc xa vọng lại, nó bật đứng lên nhún nhẩy, hai tay đưa ngang song song - đưa về sang trái rồi lại về phải, nó vặn sườn, chân đập nhịp duyên dáng. Một động tác mới lạ tự tin, hứng khởi của cháu làm tôi vừa thấy lạ vừa thấy hay hay khác thường. Cháu bay chuyến nào, đến Rome, Venice hay Berlin, tôi không hề biết nhưng vẫn nhớ hình ảnh cháu đến bây giờ.

Gần đây trên phương tiện truyền thông có nhiều chương trình Gala, Cuộc thi... với nhiều hình thức mới lạ. Ta thấy các ca sĩ trẻ, raper mặc quần áo ngộ ghê, mùa hè mà cứ như trong mùa đông, áo quần thụng thịnh nhiều túi, sau lưng trước ngực dán chữ, đeo kính màu to như bát nước mắm, đội mũ ngược... Lại có nhiều ca sĩ, họ như không mặc gì. Miệng hát, bàn tay đưa ra cong cong, ngón út thẳng, ngón trỏ cụp vào vung lên vung xuống, đập vào đùi, vỗ vào ngực dăm cái liền trông ngờ ngợ lắm...

Thời buổi này nó thế, nó khác lắm. Thanh niên có thể khóc thét lên, vật vã trước nhóm nhạc trẻ Hàn Quốc và cũng chẳng cần biết ở tận rừng sâu Tây Nguyên có một nữ ca sĩ với giọng ca ngọt ngào!

 Trong cuộc thi vật cầu ở làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội), người chơi phải giành quả cầu. Họa sĩ cũng vậy, phải vẽ và chiến thắng cuộc chơi trên tấm vải - như một không gian mênh mông, họa sĩ đứng trước đó nghĩ gì, cảm xúc như thế nào không ai đoán được. Một mảng màu tràn ra tùy mỗi người hiểu và cảm nhận.

Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic
Tranh của Trần Hải Minh. Chất liệu: Acrylic

Từ trước tới nay, Mỹ thuật với những mục đích khác nhau nhưng tựu trung là ca ngợi uy quyền thống trị, của các vị Thần linh, và Á thánh và vẻ đẹp như những người trần thế có khả năng siêu phàm qua bàn tay của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ và tác phẩm của họ phản ánh xã hội. Biểu hiện Trừu tượng và các khuynh hướng nghệ thuật đa dạng khác làm phong phú và đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ của người dân đa cảm.

Khi thể hiện tranh, một ý tưởng mới lóe sáng, họa sĩ bắt gặp và phát triển thành tác phẩm. Đó là điều lý thú và cũng không kém quan trọng đối với người sáng tác.

Họa sĩ Trần Hải Minh đã bao nhiêu lần đứng trước thùng sơn, đã hứng khởi vẽ, té, đổ, quệt, vảy màu như đang gieo hạt giống... trên mặt vải. Tác giả dùng bút hay tương tự cái bút - như chổi, bồ cào... rồi đưa đẩy theo cái hình ngẫu nhiên trên bề mặt ấy cho hợp lý về thị giác với sự tưởng tượng vụt hiện đến, ứng tác cái không biết trước trở thành hợp lý mỹ cảm. Người vẽ đi lại, đứng, ngồi quanh bức tranh. Anh ta như đánh vật với màu với bút, đăm chiêu, hồi hộp,... Trong giờ phút ấy người họa sĩ huy động toàn bộ sức mạnh và hiểu biết để điều chỉnh, kết hợp thống nhất giữa lý trí và tình cảm.

Thời gian thực hiện đó phụ thuộc vào sức sống, óc thẩm mỹ của người vẽ và như có sự hỗ trợ mách bảo của thần linh... Vì vậy để có một bức họa Trừu tượng Biểu hiện thành hay bại thật là linh nghiệm và may mắn.

7. Người ta cần được tiếp thêm năng lượng để sống và làm việc. Nghệ thuật tìm ra ánh sáng. Hi vọng bắt đầu từ lòng biết ơn khi chúng ta cho sự vật một hi vọng.

Không gian cửa võng đình làng, lá cờ ngày Tết xanh trắng đỏ tím vàng,... con gà Kim Hoàng rất đầy đủ chi tiết và cấu trúc tạo hình hoàn chỉnh, mới biết các cụ nhà ta tài tình và sâu sắc trong cách biểu hiện ý niệm của quá khứ hiện tại và tương lai vừa trừu tượng vừa rất cụ thể.

Cái gì tồn tại và tạo nên văn hóa, phải lựa chọn gạn đục, khơi trong. 

Tẩy chay sự khoe khoang, ăn theo, cơ hội nghệ thuật... Tác phẩm nói lên phẩm chất người nghệ sĩ trước cuộc sống.

8. Triết lý cuộc sống và triết lý nghệ thuật của Trần Hải Minh đã thể hiện qua những tác phẩm Biểu hiệu Trừu tượng trong các cuộc triển lãm.

Một cảm giác hân hoan, hạnh phúc có chút sửng sốt khi đối thoại với những bức tranh “khủng”, màu sắc rực rỡ, không gian mới lạ. Chất liệu đẹp, bút pháp khoáng đạt... Phòng như rộng hơn, trần nhà như cao hơn... và mọi người đến xem như đẹp hơn.

Trần Hải Minh như kẻ săn mây, tìm bình minh, lặng lẽ cảm xúc với buổi chiều tà...

Tâm hồn Trần Hải Minh rực màu lúa vàng đất Nghệ, trải qua nắng gió Sài Sơn, có nhịp sống náo nhiệt của thành phố Hồ Chí Minh... Như con nhện bung tơ đan mạng - những hình ảnh cảm nhận trong tâm thức và khi có cơ hội nó bừng lên tràn ngập...

Thế lực siêu hình nào hay nghệ thuật đã vực Trần Hải Minh tổ chức được mấy cuộc triển lãm liên tục. Hình ảnh “chàng mục sư” áo choàng đen, khăn phu - la đỏ lại hiện ra trên đường phố lạnh giá với bao nhiêu kỷ niệm.

Thời gian là người bạn tri kỷ, sẽ thẩm định giá trị nghệ thuật đích thực của người nghệ sĩ. Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta được lao động sáng tạo - “Tự do làm điều mình muốn”.

Lê Trọng Lân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy