
Góc biếm họa số 12 (2025)

5 TÁC PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU
1.GIÀN BẦU HẠNH PHÚC
Cha tôi luôn giữ thói quen trồng một khóm bầu trong vườn. Ông bảo bầu là loài cây thân thảo dễ tính, gắn bó và dường như thấu hiểu sự lam lũ của nhà nông chỉ sau cây lúa ngoài đồng. Có lẽ thế mà bầu thường ra quả trĩu trịt lại chan chứa ngọt thanh, mát mềm những bữa cơm quê sum vầy niềm tấm tắc. Có biết bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng tuổi thơ lẫn trưởng thành của tôi. Khi cha bắc chiếc giàn tre, mẹ nhổ cỏ tưới nước và vun vén thêm phân thêm đất cho khóm bầu mới trồng từ đận tháng mười thì qua Giêng thôi sẽ tha hồ được ăn quả.
Giàn bầu ngày ấy được cha trồng ngay trước cổng chỉ cách khoảng sân chừng mươi bước. Từ hiên nhà trông ra hay từ ngõ xa nhìn vào, giàn bầu xanh rợp tầm mắt. Quả vắt vẻo, quả buông xuống lưng chừng như những đứa trẻ rộn rã chơi trò đánh đu. Tiếng chuyền tre tí tách bên dóng chân nhỏ theo nhịp tung lên hạ xuống từ quả bưởi non vẫn còn he cay phảng phất, tiếng sỏi đá lạo xạo với trò chơi ô ăn quan, tiếng lách tách của những hòn bi ve hay tiếng hò reo khi gẩy từng chiếc nịt, tiếng cười đùa của anh em tôi chí choé giòn tan dưới giàn bầu dịu mát: Quả này đẹp quá, quả kia cũng đẹp, của anh… của em! Lời xí phần hồn nhiên cứ theo đôi tay với lên, đôi chân kiễng bật thêm để chạm vào những quả bầu trên cao đang vẫy gọi. Những giọt nắng xuân chẳng thể bụm miệng được nữa mà lăn lóc ra khắp giàn bầu, rơi cả xuống đất vẫn chưa hết cười rung rinh nắc nẻ.
Bóng mẹ đi chợ về thấp thoáng từ đằng xa, mấy anh em lại chen chân nhau mà chạy mà vấp để đón quà, những lá bầu, quả bầu cũng xôn xao như chung niềm ngóng mẹ. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ treo quai nón vào ghi đông xe đạp rồi dựng chân chống cạnh giàn bầu. Mẹ đặt chiếc ghế để đứng lên cho cao, một tay cầm dao cắt vào cuống quả bầu, tay kia đỡ sẵn phía dưới rồi âu yếm nhìn giàn bầu một lượt như muốn bày tỏ tấm lòng hàm ơn. Cha ngồi bên thềm uống ngụm nước vối vàng ươm rồi nhẩn nha:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Vẫn là tôi te tái: Con không ăn râu tôm đâu, con ăn thịt tôm cơ! Hay là canh hến cũng được! Mẹ đang thái từng miếng bầu mà ngưng lại cười thành tiếng. Tình nghĩa cha mẹ dành cho nhau từ buổi ban đầu với hai bàn tay trắng đến lúc dựng nên cơ đồ với mấy mặt con thơ đã trải qua bao thăng trầm cuộc đời vẫn giữ vẹn nguyên một niềm sắt son ấm áp.
Khi cha vùi khẽ hạt bầu vào trong khoảng đất tơi xốp và tưới thêm chút nước giữ ẩm, mấy mầm xanh mở mắt nhú mình chỉ vài ngày sau đó. Chẳng mấy chốc đôi ba chiếc lá xanh biếc xoè ra, ngọn và tua bầu như cánh tay reo vui hân hoan vẫy chào nắng gió. Cha cắm mấy cành tre nhỏ hơi ngả ra, dẫn lối cho bầu leo lên giàn khi bốn chiếc cột đã được chôn vững vào bốn góc để đan xếp, gác gối những cây tre nhỡ bằng cổ tay hay những cây tre to chẻ đôi lên phía trên mà buộc chắc nịch các mối nút bằng mấy vòng lạt dẻo hoặc sợi dây thép bé. Ngày ngày, mẹ tưới một vòng luống rau rồi tưới cả khóm bầu cha dặn. Dây bầu mập mạp khoẻ khoắn ôm vai bá cổ, quấn quýt không rời tấm lưng giàn vuông vắn như thể những đứa con bé bỏng được cha công kênh trên lưng mà dạo chơi khắp ngõ. Ngọn bầu lia láu vươn mình đến đâu, những chiếc tua bám chặt vào thanh tre đến đấy. Chẳng mấy chốc từ kẽ thân lá, hoa bầu nhú lên li ti rồi một hôm bung ra trắng muốt, bướm ong sà xuống hít hà, những quả bầu bé bỏng đậu lại như những con sâu róm con và ba bốn tuần sau quả đã nhẵn thín lúc lỉu kéo võng cả dây trên giàn gọi chờ người tới lui để hái.
Những quả bầu xanh biếc uống trọn những tinh tuý của mùa đương xuân. Chúng say sưa dưới bầu trời êm ru khoáng đạt, có vũ điệu nắng vàng óng ả, có khúc gió vi vu thơm nồng, có mưa như tràng kẹo tí hon ngọt mát, đất ân cần tơi xốp cho rễ bén sâu thêm. Đôi tay cha trồng và chăm sóc tỉ mỉ gửi gắm một mùa bầu bội thu, đôi tay mẹ hái quả từng ngày mà lòng tràn trề hạnh phúc. Cũng từ vòng tay chở che và dìu dắt của cha của mẹ, anh em tôi biết yêu thương, biết nhịn nhường, biết quan tâm đùm bọc nhau hơn nữa. Những mùa bầu cho cổng nhà tôi bóng mát, cho quả ngọt bên bữa cơm ngon, anh em tôi khôn lớn mỗi ngày, cha và mẹ càng thương nhau như “gừng cay muối mặn”.
Cây bầu lành tính và gắn bó khăng khít với vườn quê, người ở quê, quả bầu tận hiến cho bữa cơm nhà nông chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu. Bầu luộc, bầu xào, bầu nhồi thịt và cá cùng hấp lên thơm lừng, bầu nấu canh hến canh tôm đậm đà thơm phức. Mẹ bảo ăn bầu sẽ giúp tôi bớt nóng trong và khỏi chứng hay nhiệt, anh tôi đỡ sủi bụng mà tiêu hoá tốt hơn. Sau này tôi mới biết thêm nhiều công dụng từ quả bầu khi hỗ trợ cả hệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hoá và giảm căng thẳng mệt mỏi của hệ thần kinh. Những công dụng to lớn thần kì lại ẩn chứa trong thứ quả mộc mạc chân quê, thứ quả đã gắn bó với nhà tôi mỗi độ xuân đi xuân về xanh cao biêng biếc.
Có những khi mẹ và cha đi làm đồng về mệt tới rũ rượi như muốn lả đi, chỉ cần xuỳ xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà còn luênh loang váng muối là tỉnh táo và khoẻ hẳn trong người. Nhớ ngày anh tôi bắt được mớ hến ở sông làng, nhớ ngày cha tôi cất được lưng rổ tép ở hồ thôn thì nồi canh bầu lại có dịp “khua chiêng gõ mõ” dọc ngang con ngõ. Mẹ cắt mấy quả bầu cho hàng xóm cạnh bên, người quen đến chơi nhà ngắm nhìn giàn bầu say sưa mà trầm trồ khen ngợi. Mẹ cắt cho họ mang về đôi quả mà nhận lại suốt những lời cảm ơn. Giàn bầu như dõi nghe, như mừng vui tự hào nơi đầu sân xanh niềm thơm thảo. Bầu ăn chẳng xuể, mẹ đựng vào thúng mang đi chợ. Những quả bầu thân thương, suốt dọc đường ai cũng hỏi mua hết khi chưa kịp tới chợ.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi thấy giàn bầu bị quăng quật sau một đêm giông bão bất chợt ngày xưa. Những lá bầu bạt đi nghiêng ngả, vài dây bầu buông thõng tả tơi, một góc giàn tre liêu xiêu chực như sập xuống…Cha buộc lại giàn, mẹ cắt đi những đoạn thân đã gần đứt rồi nhấc những thân lành lặn còn ngổn ngang khe khẽ quanh giàn, quả non bị rụng xuống nhiều, những quả đẫy đà thật may vẫn còn cứng cáp. Một thời gian sau, khóm bầu hồi sức, những nhánh chồi mới lại đâm ra, ngọn bầu vươn tua tủa.
Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu khô dần, lá bầu lặng lẽ quắt đi. Cha tôi đem quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy rồi sẽ xanh mầm xanh cây và đơm hoa kết trái như chính tổ tiên của mình đã bao mùa xuân hiến trọn. Nhìn cha giữ gìn hạt giống trên tay, lại đem phơi nắng mỗi ngày, tôi muốn đặt tên cho giàn bầu nhà tôi là giàn bầu hạnh phúc. Hạnh phúc ấy bắt đầu từ những điều giản dị yêu thương, hạnh phúc là khi cho đi hay khi đón nhận những điều dù bình thường mà thiêng liêng đẹp đẽ. Tôi tin trong cuộc đời này còn bao hạnh phúc ấp ủ từ những điều nhỏ bé giản đơn mà đôi khi ta thờ ơ, ta bỏ quên hay chưa một lần nhận ra và lắng nghe cảm nhận. Mùa xuân đã thì thầm nói cho tôi về những điều tuyệt vời ấy…
Cha tôi vẫn giữ thói quen trồng bầu vào mùa xuân, mùa của muôn hoa muôn loài căng tràn nhựa sống. Tôi từng hỏi rằng vì sao cha không trồng bầu quanh năm, cha bảo vì lo những dây bầu không thích nghi kịp thời tiết mà còi cọc chậm lớn ít quả và nhanh tàn. Nên chọn đúng thời điểm để gieo trồng những hạt mầm ta vốn đã yêu thương và thấu hiểu. Cha thương khóm bầu như tình thương cha vẫn luôn dành cho mấy mẹ con tôi. Nhìn giàn bầu xanh rợp, nhìn ngôi nhà nhỏ nằm bình thản hiền hoà, chở che bao niềm đầm ấm suốt những năm tháng đã qua, ánh mắt của cha như mỉm cười vì hạnh phúc.
Tôi trở về thăm nhà lúc mùa xuân đang vào độ chín. Cùng cha ra vườn mà hái chút lá lốt, nhánh sả hay vài quả chanh. Kìa những quả bầu buông xuống mượt mà, những quả xám vỏ khoằm cong bên chiếc giàn cách mặt đất chừng mét rưỡi. Cha bảo làm giàn thấp như vậy dù đứng hay ngồi đều dễ dàng hái quả. Mẹ bị hoa mắt chóng mặt chẳng thể bắc ghế mà trèo hái suốt một mùa bầu. Lưng cha gù đi theo số tuổi, đôi chân chậm dần và bàn tay không còn mau lẹ như xưa nữa. Cha tiều tuỵ bên chiếc ao bay màu xanh, màu áo lẫn vào giàn bầu mộc mạc, tảo tần chịu thương chịu khó. Lòng tôi dâng trào hạnh phúc lẫn nghèn nghẹn đăng đắng nỗi niềm xót xa. Cả mẹ và cha đã cần mẫn một đời cho đến tận bây giờ vẫn không ngơi cần mẫn.
Bát canh bầu mùa xuân này vẫn còn nguyên hương vị bát canh bầu từ ngày xuân trong tôi thơ bé. Có vị yêu thương lo lắng, vị chăm bẵm ân cần, vị khoan dung trìu mến. Vẫn đôi tay xưa của mẹ nấu, vẫn đôi tay xưa của cha trồng, niềm hạnh phúc thật mênh mông khi giàn bầu xưa và nay vẫn hiền hoà như lòng cha lòng mẹ. Những kỷ niệm tươi thắm lại ùa về bên mâm cơm sum vầy đủ đông, chính những giây phút này đây tới mai sau sẽ trở thành những kỉ niệm thiêng liêng ấm nồng còn thương và nhớ mãi. Giàn bầu mang niềm hạnh phúc ngọt ngào giữa mùa xuân, cho mẹ cha và ngôi nhà, cho anh em tôi từ khi còn tấm bé.
2.CÓ GÌ NƠI TÚI ÁO CỦA MẸ
Chỉ tới khi những cạnh túi trên ngực áo mẹ bị bục quá nửa đường chỉ may rồi tơi tả lật xuống mới lộ ra màu sắc thật ban đầu của chiếc áo bảo hộ lao động mẹ vẫn thường mặc. Đó là khoảng vải được vuông túi bao bọc quanh năm vẫn còn như mới nổi bật trên nền áo đang dãi dầu bạc thếch. Tôi thấy mình như được bé lại mà chạy lăng xăng ngoài ngõ, ngoài vườn chờ mẹ cùng những món quà nho nhỏ thân thương nằm trong hai chiếc túi áo hôm nào...
Cứ ngỡ dòng thời gian chảy trôi sẽ vô tình cuốn nhẹm đi bao kí ức vụn vặt của ấu thơ đời người thì hoá ra càng lớn thêm, tôi càng mồn một nhớ về những điều xa cũ. Nhớ cây ngái dại mọc tốt um nơi góc bờ rào, có tổ chim sâu đính vào đôi ba chiếc lá. Những con chim non chưa mở mắt nhưng quen hơi rõ tiếng của chim mẹ, mỗi lần chim mẹ bay đi kiếm ăn rồi trở về là chúng rướn cổ lên, xoè mỏ ra như một phản xạ rằng: Mẹ ơi, con đói…! Lúc ấy tôi chợt nghĩ giá mà chim mẹ cũng có chiếc túi áo như túi của mẹ mình để đựng được thật nhiều mồi cho chim con thì tốt biết mấy. Có rất nhiều câu hỏi “nghiêm trọng” của tuổi lên 6, lên 7 bị ngắt quãng rồi có lúc bị quên biệt đi khi tiếng mẹ gọi thì ngày nào cũng đợi chờ háo hức.
Mỗi lần đi làm vườn bãi về, mẹ bỏ cuốc từ trên vai xuống, tháo đôi ủng nhựa ở chân ra cất vào chái bếp rồi gọi tôi hối hả: mẹ có thứ cho con gái này! Chân sáo tôi nhảy nhót vì vui sướng, hai lòng bàn tay bé nhỏ chụm vào nhau đón những thức quả mẹ lấy ra từ trong hai túi áo. Những loài quả dại siêu ngon, đặc sản của trẻ con luôn săn lùng thời ấy. Sau chiếc vỏ hệt như lồng đèn hay dưới lớp vỏ dày hơn mắt lưới là những quả thù lù và quả lạc tiên vàng ươm ngọt mát. Khi là những quả ổi ương dại mà thơm đến trĩu dạ trĩu lòng. Có khi trên đường làm đồng về, các cô chú rủ mẹ vào nhà chơi rồi bảo mẹ vặt chùm nho thóc tím lịm hay chùm dâu chín mang về, chín tới thẫm đen và phai cả màu ra túi áo mẹ.
Là ngày mẹ trở về sau buổi chợ phiên rồi lấy trong túi áo ra chiếc cặp ghim và đôi nơ buộc tóc cùng có màu hồng xinh xắn. Tay mẹ vuốt tóc tôi rồi bảo: Bêu nắng nhiều nên tóc con gái mẹ vàng hoe hết cả rồi đây này, bêu nhiều là bị ốm đấy nhé! Thế rồi bao lần tôi ốm vặt, là bấy nhiêu lần mẹ đạp xe ra tận ngoài thị trấn để mua thuốc rồi cất vào túi cài cúc cẩn thận mang về khẽ dặn tôi phải uống cho chóng khỏi. Những ngày tiểu học, tôi chẳng vòi vĩnh mẹ để mua thứ gì cho bằng bè bạn vì biết nhà mình chẳng phải tiền dư thóc mục nên cũng thành thói quen. Mẹ vẫn dành dụm, bớt gạn từ chi tiêu ra để phần trong túi áo cho tôi những tờ tiền nho nhỏ đủ mua mỗi lần một gói ô mai hay vài ba chiếc kẹo vừng, kẹo dừa thơm phức vẫn bày bán ở hàng quà vặt ngay cạnh cổng trường. Trước ngày tôi thi đỗ tốt nghiệp cấp 2 và chuyển cấp lên cấp 3, mẹ bảo với cả nhà sẽ thưởng cho tôi một chiếc xe đạp mini mới nhưng phải tới khi tôi học gần hết lớp 10 mẹ mới đưa tôi ra cửa hiệu để chọn mầu xe ưng ý. Mẹ lấy khoản tiền cuốn gọn được bọc bằng chiếc khăn mùi xoa từ trong túi áo rồi đưa cho người chủ tiệm, dường như mẹ đã hỏi giá chiếc xe từ lâu và tích cóp đến khi ấy mới đủ. Vậy mà đã có lúc tôi sợ mẹ không giữ lời, đã có lúc tôi hờn dỗi và tủi thân nhưng chưa một lần nói ra điều ấy. Tôi đâu biết khi mình được đạp những vòng quay xe bon bon đến trường, mẹ đã phải lặn lội thân cò ngược xuôi làm lụng, chắt chiu để dành những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi cùng nhọc nhằn lam lũ. Nhiều khi tôi tự hỏi mẹ lấy sức mạnh từ đâu mà quần quật khắp ruộng đồng vườn bãi, lúc lại kẽo kẹt biết bao cây số khắp nẻo chợ gần xa. Có những đêm, ánh trăng giàn giụa khắp sân nhà như ngấm phải vị cay của dầu gió. Mẹ xoa dầu vào bắp chân, cổ tay, vào vai gáy một lượt trước khi đi ngủ, khi đèn học của tôi còn thắp sáng bên những trang sách ngay ngắn thơm nồng...
Đến năm, tháng, ngày con gái vu quy, mẹ mở cúc túi áo cẩn thận và lấy ra hai chỉ vàng đưa cho tôi cùng nụ cười hiền dịu. Bố kể, mẹ đạp xe ra hiệu vàng mới ngày hôm trước. Vẫn là mẹ chu đáo, vẫn là mẹ lo xa, vẫn là mẹ luôn tặng cho tôi những món quà bất ngờ, lần này là quà tặng cho con gái chút phòng thân bằng vốn liếng...Tôi đã bật khóc, giọt nước mắt long lanh niềm hạnh phúc, hình ảnh mẹ cùng chiếc áo bảo hộ giản dị mà đẹp lấp lánh nhường nào. Bên ngoài ô cửa, đàn chim sâu thoăn thoắt đậu, bay. Gà mẹ đang cần cù tãi đám lá khô trong vườn, thỉnh thoảng thấy mồi liền gọi đàn con xúm lại. Bầu trời hiền hoà xanh cao quá đỗi, lòng tôi nhẹ bẫng những nỗi niềm không tên...
Mỗi dịp về thăm nhà, tôi vòng tay ôm mẹ ngủ mà hài hước nhõng nhẽo.
-Để con gái nắn túi xem có gì nào!
-Đấy, còn mỗi thân già này thôi, có lấy thì lấy!
Hai mẹ con lại rúc rích cười và nhắc cho nhau chuyện ngày xửa ngày xưa có người mẹ “đựng cả thế giới” trong hai túi áo để dành mang về cho cô con gái bé nhỏ. Gian buồng xôn xao những âm thanh của hạnh phúc.
Nơi túi áo ngày xưa của mẹ có những món quà vô giá, chẳng thể nào đặt tên, phải đánh đổi bằng bao cơ cực muộn phiền, bao mùa nắng mưa hối hả. Tôi hiểu vì sao khi chiếc áo mẹ bạc tới độ chẳng nhận ra mầu mà bên trong chiếc túi vẫn còn như mới... Mẹ đã khâu lại từng đường kim mũi chỉ để chiếc túi bền bỉ như ngày nào. Có phải tấm lòng người mẹ cũng một đời như thế, một đời dành trọn đức hy sinh, dẫu mòn vẹt khắp cả thân mình cũng gắng chở che cho con trong vòng tay được lành lặn an ấm...
3.SÂN GẠCH NHÀ TÔI
Một chiếc sân nho nhỏ đã bao mùa in đậm kí ức tuổi thơ tôi. Cứ nghĩ tới là thương. Cứ tìm về lại nhớ. Mảnh sân đơn sơ gầy guộc và chằng chịt thô ráp nhưng hiền hậu vức vuông. Gió vẫn ú oà, mưa mải bập bênh, nắng hồn nhiên chân sáo. Mọi thứ cứ quấn chặt lấy bóng tôi trong hình dung khắc khoải. Tôi đăm chiêu trong tan ra. Mảnh sân ngày nào vẫn vẹn nguyên trong ký ức đẹp đẽ không phôi pha. Chừng ấy thôi, đã đầy và kịp đủ...
Chiếc sân gạch nhà tôi cũng giản dị bình thường như sân của bao nhà hàng xóm thời ấy. Này viên màu cam sẫm, này viên màu tím than, kia lại màu nâu, màu tro xám...Viên lành, viên vỡ đôi, viên sứt mẻ được bố gánh từ lò gạch của bác tôi về tận dụng đặt giữa những làn vôi cát và tự tay miết mải trộn trạo thành chiếc sân vuông. Thỉnh thoảng mẹ vẫn nhắc lại khi cả nhà quây quần bên nhau. Anh em tôi chăm chú dõi nghe, bố trầm ngâm xa xăm nối dài thêm câu chuyện. Mẹ còn kể, thuở bé tôi chập chững đứng ngồi lê la khắp sân, răng mọc nhì nhằng chỗ có chỗ không thế mà cái miệng cứ chúm chím phập phồng vì nhai cơm búng. Chân ngất ngưởng, lon ton chạy theo gà con đang lạc mẹ chiêm chiếp mà vấp ngã, trán bươu bằng quả ổi. Ê a khóc, nước mắt nước mũi quẹt ngang quẹt dọc, tay còn bập bẹ đánh chừa xuống nền sân gạch như bắt đền rồi hết đau ngay sau lúc ấy.
Chiếc sân gần gũi và gắn bó với mọi người trong nhà như một thành viên. Sân bằng phẳng khe khẽ bám bùn mẹ trải để dễ dàng gieo mạ cấy. Khi cây mạ xanh rì cao chừng hơn nửa gang tay, rễ tua tủa thau tháu trắng tinh là lúc mẹ cuộn tròn cả mê mang ra đồng. Mặt sân còn hằn lại những vệt loang lổ ẩm ướt. Vệt mồ hôi của mẹ? Vệt mồ hôi của mạ? Hay vệt mồ hôi của sân? Là ba vệt gối lên nhau xoay tròn lắng lo và tất tưởi. Mùa gặt về rộn ngõ, sân hối hả chạy ùa theo tiếng xình xịch rung lên từ máy tuốt lúa. Sân reo vui phấn khởi đón chào rơm tươi và thóc mới. Sân nhuộm mình vào nắng cho nóng bỏng giòn tan để đảo thơm từng mẻ thóc. Sân đáo để khi giấu vài nắm thóc nhỏ trong kẽ gạch phần đàn gà quanh quẩn vào ăn. Gà ăn chẳng hết, hạt thóc lại nảy mầm mọc thành cây lúa thưa thớt ngộ nghĩnh quanh sân.
Ông trời thương cái sân mỏng, hết nắng lại bù đắp cho mưa. Mỗi trận mưa về, sân tí tách hoan ca, sân thổi nước thành bong bóng tròn tinh nghịch. Từng thớ gạch như duỗi dài ùm lên ùm xuống tắm gội no nê thoả thích dưới làn nước trời trong veo mát rượi. Mẹ thường lấy hết xô chậu mang ra hứng nước mưa cho đỡ phí. Tôi cứ đứng trên hiên mà đưa tay chân hứng giọt gianh chảy vào thích lịm. Mưa tạnh rồi, sân cũng sạch bóng vươn mình tỉnh táo khôi ngô. Vài chiếc lá đáp xuống dũi dũi, cù cù, xèn xẹt nô đùa trong sân.
Những đêm hè, bố con tôi thường trải chiếu, gối ra giữa sân ngồi và nằm hóng mát. Đôi khi sân còn rực nóng chưa kịp nguội bởi cơn nắng trưa chiều. Đưa tay lên bầu trời, tôi hỏi bố về những vì sao. Bố chỉ dòng sông Ngân Hà lấp lánh, chòm sao Thần Nông cạnh hình con vịt, chiếc gầu sòng rõ rệt, chòm Ngưu Lang Chức Nữ xa xa. Tôi lơ mơ chưa hình dung rõ ràng thì bố lấy giấy bút tận tình chấm tựa vì sao cho tôi bao quát và tưởng tượng. Bố mở đài, chỉnh pin, chỉnh kênh sẹt sẹt. Vẫn chất giọng ngọt ngào của các cô chú phát thanh viên trầm bổng theo nền nhạc. Từng tiết mục, từng chương trình sao mà da diết. Con Vàng, con Mực sằng sặc cắn, ngoạm trêu đùa nhau chán chê rồi lăn ra sân ngủ. Đôi lúc còn “hức, hức” mê sảng, rồi thấy động lại bật dậy lao vù ra ngõ sủa lốp bốp. Anh hai tôi vẫn còn tranh thủ vẽ ô lồ tròn trên nền sân gạch để bắn bi, hình như mai còn tác chiến với lũ bạn. Tôi vòi vĩnh xin anh một viên để đập ra lấy múi khế nhiều mầu bên trong chơi thì anh lọc xọc cất vào lọ giấu biệt. Tôi vừa chạy theo vừa mách bố mẹ... Nhiều khi cũng chỉ vì chạnh choẹ nhau mà cả hai đứa cùng bị lằn roi bao lần. Mỗi đứa một góc sân, anh khóc ông ổng, em gào the thé rồi nín tự lúc nào chỉ có sân mới tường tận. Mẹ vẫn ngồi ở bậc thềm trước sân mà đếm từng chục tiền lẻ gọn gàng để mai còn đi chợ sớm.
Trăng lơ lửng, trăng tròn vành, trăng dát bạc khắp sân. Bầu trời mở tiệc trăng sao lung linh kiều diễm. Gió quàng xiêm y thướt tha la đà trảy hội. Màn đêm mơ màng ngọt ngào trong veo như cổ tích. Tôi hít hà vui sướng miên man, để rồi mang cả không gian ấy cuộn tròn vào trong những giấc ngủ. Cây na nhập nhoè rung rinh cạnh đầu hồi bếp cũng rướn cành lá như muốn ùa vào sân mà góp chuyện. Vòm trời quê như được đựng cả hình hài, sắc vị trên sân. Dìu dịu, thanh bình và êm ả. Đó là những ngày tháng tôi chưa kịp lên mười. Tôi còn bận bịu đủ thứ trò chơi. Lúc thì nhảy lò cò quanh sân, khi lại nhảy dây chun, chơi chuyền, rải ranh, ô ăn quan bằng sỏi đá. Lúc lại lấy ngói vụn vẽ vào sân đủ thứ hình. Sân chiều chuộng thoả thích cho tôi. Bao mùa nắng gió mưa giông, sân vẫn tần tảo âm thầm đệm những bước chân, những dáng ngồi, cả những bữa cơm đạm bạc và phút chuyện trò mênh mang niềm hạnh phúc.
Tôi lớn hơn, sân cũng già đi. Màu sân bạc dần, cũ hẳn. Những kẽ gạch rỗng to hơn, những mạch vôi cát bở ra lỏng lẻo. Bố lại tỉ mỉ trộn xi măng vào chiếc xô nhỏ vá một vòng quanh sân. Tôi chợt hiểu vì sao bố không phá đi để làm sân mới to đẹp hơn mà bố chỉ cơi nới cho sân thêm rộng ra bằng những vuông gạch màu đỏ. Dù không nói với nhau nhưng cả nhà ai nấy cũng như tôi đều muốn giữ lại tất thảy những kỷ vật, kỷ niệm đã cùng gắn bó. Phần sân cũ hiền hoà nằm đó như mừng tủi, như cảm động khi biết mình còn có ích và chưa một lần bị rũ bỏ hay bị lãng quên. Chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi mà sân vui, sân an lòng về những tháng ngày tuyệt vời phía trước...
Tôi vẫn thường trở về thăm nhà, đôi chân trần lại được la cà bên mảnh sân bây giờ và ngày ấy. Chiếc sân quê mộc mạc giản dị nhưng đằm thắm nghĩa tình. Chiếc sân trìu mến luôn mở rộng vòng tay nụ cười, nhớ nhung chờ đón. Niềm thương bất tận cứ mớ ba mớ bảy chồng chất lên nhau, đầy lại thêm đầy, đầy chẳng dư thừa, đầy chẳng vương rơi, đầy chẳng ngừng ngơi. Vẹn tròn và kịp đủ. Ơi à, tôi gọi chiếc
sân tôi!
4.HOÀI NIỆM TẾT XƯA
Những ngày cuối tháng chạp, khi trời chưa dứt đông, gian bếp nhà tôi luôn đượm ánh lửa hồng rộn ràng không khí Tết. Tiếng nồi xoong, bát đũa chạm vào nhau, tiếng băm thớt liên hồi, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng lửa bên kiềng xèo xèo nhảy nhót. Tôi gọi đó là thanh âm của Tết.
Dường như khi người ta càng trưởng thành bao nhiêu thì lại càng hoài niệm những điều đã cũ bấy nhiêu. Lòng tôi chộn rộn nhớ nhà, nhớ căn bếp xưa, nhớ tuổi thơ êm đềm cùng mọi người trong gia đình đã bên nhau bao mùa đón Tết. Những ngày ấy, bố tôi hay tích trữ củi trong vườn về chất đầy bên chái. Bố bảo để dành cho Tết và Giêng Hai nhỡ đâu trời mưa dầm còn có mà đun nấu. Mẹ đi chợ mua trước những đồ khô. Nào miến, bánh đa nem, bánh phồng tôm, măng khô, nấm hương mộc nhĩ…cất vào tủ, vào chạn. Tôi với anh hai bảo nhau lấy tro bếp ra cọ rửa bộ ấm chén và xoong nồi, cọ đến đâu mọi thứ sạch bong trắng tinh đến đó. Mẹ khệ nệ bê thúng bát đĩa trong góc bếp ra cùng cọ rửa. Chiếc đĩa có hình cô tiên, vành bát có hình hoa hồng xinh lắm. Những ngày rét lạnh cuối năm, bố thường rút rơm về bện thêm ổ cho gà đẻ trứng, ông còn lót cả xuống chiếu giường và bảo rơm ấm ngủ êm. Mẹ thì treo mấy bộ quần áo của anh em tôi vào bếp cho nhanh khô, dẫu áo quần bị ám khói tôi cũng quen thứ mùi hăng hắc ấy từ lâu rồi. Con mèo khoang hết nằm lại ngồi, xém cả lông và râu vẫn chẳng rời tro bếp.
Cả năm mới có mấy ngày Tết, trẻ con như chúng tôi háo hức vì được ăn được chơi nhiều. Ở quê, nhà tôi hay các nhà khác cùng làm ruộng, Tết chẳng dám ăn to nhưng cũng tươm tất hơn ngày thường chút đỉnh. Ngày 28, mẹ rủ bác hàng xóm cùng đi mua thịt lợn. Một khúc ba chỉ to để gói bánh chưng, mẹ thái đôi khúc còn lại dọc theo thớ rồi áp chảo vàng ươm cánh gián đậy trong chiếc nồi nhôm. Xương lợn bố chặt nhỏ, xào lên đủ mắm muối cất vào cặp lồng. Có cả cân mỡ khổ, mỡ lá mẹ rán đựng đẫy một âu sành. Đàn kiến đen kéo nhau liếm láp. Bố kê bốn chân chạn đã bọc túi bóng vào bốn bát nước, kiến không tìm đường lên chạn nữa. Tóp mỡ cho vào túi bóng, để dành ra Giêng kho cá, rim tép hoặc sốt với cà chua trộn vào cơm thì ngon phải biết.
Mẹ thì trải chiếu ra sân, thúng gạo nếp tròn thơm, giá đỗ xanh óng vàng, lạt dẻo sẵn sàng, lá dong xanh mướt, bát thịt ba chỉ dậy mùi tiêu cay. Đôi tay bố, mẹ tỉ mỉ trong thoăn thoắt, chẳng mấy chốc những chiếc bánh chưng vuông vắn đã được xếp vào chiếc nồi. Bố đặt chéo mấy viên gạch chồng lên nhau rồi chất củi lửa bên đoạn đất trống gần bếp, nồi bánh nhà tôi đã sôi sùng sục từ tối hôm 28. Mẹ lúi húi đun siêu nước đổ đầy hai phích, anh em tôi vây quanh bếp luộc bánh. Trời rét, tay đứa nào cũng hơ vào ánh lửa, chân rung rung bên chiếc ghế gỗ nhỏ xíu chi chít mũ đinh. Bố cho thêm củi, than càng lúc càng hồng, thỉnh thoảng còn tí tách bắn ra những đốm vụn làm chiếc áo len tôi đang mặc bị thủng li ti mấy vết. Que cời than bằng tre tươi cũng cháy nhanh như củi, anh em tôi cầm nó vẽ lên thành nồi, vung nồi bánh những vệt nhem nhuốc, lúc lại chăm chú nghe bố kể chuyện năm nảo năm nào. Mùi bánh chưng cứ thơm nghi ngút theo khói nước, khói lửa khiến cái bụng tôi thấp thỏm cồn cào. Đến khi díp mắt rồi đứa nào cũng đi ngủ chỉ còn mình bố canh bếp tới hôm sau vớt bánh.
Sáng hôm 30, mẹ cắt đôi nắm cây mùi già ngoài vườn đun một nồi nước to thơm nức cho cả nhà. Bà tôi nhấc viên đá cuội và phên tre đẹn phía trên vại dưa trong bếp đã muối mấy ngày trước đó, mùi dưa đang vào độ chín ngào ngạt. Bà ưng ý lắm, miếng trầu bà nhai mềm môi đỏ thắm. Màu đỏ còn vương lại trên những nếp nhăn hiền hoà quanh khoé miệng. Bà rót dầu hoả vào chiếc đèn và bảo rằng ngày Tết phải có đèn dầu trên ban thờ để mời ông cùng tổ tiên trở về ăn Tết trong ấm áp. Chiếc khăn nhung trên cổ được buộc lại, bà vịn tay vào bàn thờ khẽ lấy ảnh ông ra phủi bụi và nhìn hồi lâu. Mỗi lúc có con đom đóm hay con bươm bướm sẫm màu bay vào sân, vào nhà hay vào bếp lúc trời tối, bà lại thì thầm rằng ông đã về thăm nhà đấy. Tôi vẫn tin đó là sự thật cho đến tận bây giờ. Chiều hôm 30 Tết ấy, bếp nhà tôi thơm lừng mùi canh măng, canh miến, mùi cơm tẻ, mùi xôi nếp với mùi nem rán, bánh chưng xanh rền…Bố chặt thịt gà bày lên đĩa, mẹ múc canh miến, rắc thêm ít hành hoa, bà đơm đĩa xôi tròn vành vạnh, anh trai lớn của tôi thái thịt quay từng miếng đều tăm tắp. Một đĩa giò thủ và bát thịt đông mẹ làm chung cùng bác hàng xóm nữa. Mâm cơm ngày cuối năm đặt trên bàn thờ gia tiên cùng rượu nước, bà châm hương bên ngọn đèn dầu rồi chắp tay lầm rầm khấn. Mùi hương thơm bảng lảng cứ vấn vít quanh bàn thờ, quanh mâm cơm nóng…
Bao mùa Tết trôi qua, anh em tôi dựng vợ gả chồng gần xa. Bố mẹ tôi vẫn giữ thói quen nấu đun bằng bếp củi. Bố bảo trời lạnh, cơm nấu xong bày mâm ra bếp, bố mẹ ăn luôn cho ấm. Ngày Tết, anh em chúng tôi được tề tựu đông đủ bên mái nhà, bên gian bếp ngày xưa. Mẹ lại thổi cơm, đơm xôi ra đĩa tròn vành vạnh như bà tôi lúc trước, các anh trai thịt gà, nướng chả, hai chị dâu cùng quấn nem rán, nấu miến và măng. Bố vừa treo bánh chưng vừa dặn mỗi đứa nhớ mang về mấy chiếc. Lũ trẻ con xúng xính quần áo mới tung tăng đuổi nhau dọc con ngõ, thỉnh thoảng lại ùa bên vai ông bà cười khúc khích giòn tan.
Cây hoa đào rực rỡ phía đầu sân, cả nhà sum họp quây quần chuyện trò rổn rảng. Ai nấy cũng phấn khởi trong mâm cơm ngày cuối năm. Mọi người gắp cho nhau từng món ăn, tiếng nói cười râm ran trong căn nhà đầy Tết. Lửa dưới bếp vẫn cháy liu riu, ánh đèn dầu trên bàn thờ quyện vào khói nhang ấm cúng. Có hai con bươm bướm sẫm màu cứ quẩn quanh trên bốn bức tường nhà mà bay đậu. Tôi nhớ lại lời bà năm xưa, có lẽ ông bà cùng nhau trở về thăm nhà, thăm cháu con ngày Tết. Căn bếp cũ nhà tôi bây giờ đã được lợp lại mái, những vết tường bong cũng được trát nhẵn đều. Chiếc bếp ga kê gọn một bên thỉnh thoảng vẫn nấu, bếp kiềng vẫn nằm vị trí ngày xưa, củi khô gọn gàng xếp cạnh, tro bếp vẫn gợn bay, khói bếp vẫn nhèm mắt cay.
5.CẨM NANG TÔI- CÓ HÀ NỘI LÂU RỒI
Có một Hà Nội rộng dài văn hiến, sắc nước hương trời luôn níu giữ trái tim tôi. Tôi chẳng có gì dành tặng cho mảnh đất ôn nhu đẹp đẽ ấy ngoài tấm thịnh tình của một người tỉnh lẻ chân quê. Yêu thương này tôi muốn nói. Nỗi nhớ này tôi muốn gọi. Hà Nội của tôi, ''quốc hồn quốc tuý'' của dân tộc Việt Nam tôi. Tâm thế ''rồng cuộn, hổ ngồi'' đã trải qua bao biến cố thăng trầm theo dấu hài lịch sử. Khoảng thời gian tôi đặt chân tới Hà Nội học tập dù ngắn ngủi nhưng giúp tôi được nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào Hà Nội để rồi quyến luyến đắm say, để thấu hiểu hơn nữa nơi này tôi tìm về lịch sử, văn chương, dõi theo điện ảnh hội hoạ. Hà Nội nồng nàn giản đơn, trầm tư và thanh lịch, nhộn nhịp với ân cần. Tôi yêu mọi thứ thuộc về Hà Nội.
Đâu đó những thanh âm vọng về từ Hoàng Thành Thăng Long xưa- mảnh đất bằng phẳng, cao ráo, bốn ngôi đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh trấn yểm tứ phương giúp cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà muôn dân thành Thăng Long thời Lý được no đủ. Tôi lại nhìn thấy sóng nước hồ Gươm khi rùa vàng ngoi lên đòi vua Lê Lợi trả kiếm, màu xanh lục thủy bao quanh, đảo Ngọc cầu Thê Húc thiêng khí trong lành, đẹp như một đóa hoa giữa lòng thành phố. Ngọn lửa hiếu học vẫn sáng bừng trong Văn Miếu Quốc Tử Giám từ thuở khai sơ, tôi cùng lũ bạn ngây thơ rủ nhau chạm tay vào đầu rùa trên lưng cõng những tấm bia trạng nguyên cùng được khắc chạm bằng đá. Chùa Trấn Quốc như đoá sen bên Hồ Tây, chùa Một Cột như đoá sen giữa hồ Linh Chiểu. Còn một bông sen đặc biệt cách điệu giữa quảng trường Ba Đình là lăng Hồ Chủ Tịch nghiêm minh, tôi lẫn vào dòng người thăm viếng, lòng nguyên thổn thức như mới vừa hôm qua. Nơi có sáng tháng năm trời thu xanh thắm, có lời tuyên ngôn hào hùng, có không khí sôi nổi mít tinh ngày độc lập, và đến mai sau sẽ còn vô vàn sự tôn kính mà nhân dân Việt Nam dâng lên người lãnh tụ vĩ đại.
Tôi lặng người đi khi tận mắt trông thấy gông cùm xiềng xích, xà lim, rào thép mà nhà tù Hoả Lò như một minh chứng về “địa ngục trần gian” dưới thời Pháp thuộc. Đường cống còn đây, bao chiến sỹ hao gầy vượt ngục mà trở về tiếp tục cách mạng hăng hái. Tôi neo đậu trầm tư vào từng thớ thép trên cây cầu Long Biên lịch sử, một chứng tích trải bao thăng trầm từ hai cuộc kháng chiến. Cầu lặng thinh để nhớ hay quên bao khói lửa đã dội xuống thân mình. Nắng gió vẫn reo ca, sông Hồng đằm mình theo những hạt phù sa chắt chiu từ những mạch nguồn bi tráng. Vườn nhãn bây giờ xanh biếc, cúc hoạ mi thì thầm, có những ngày bạn bè hồi âm cho nhau bằng những cuộc dã ngoại hạnh phúc.
Nếu ai có về làng cổ Đường Lâm, cho tôi gửi gắm nỗi nhớ thêm đôi lần, nơi hồn quê đủ đầy vẹn nguyên như ngày thơ ấu. Tôi muốn mãi ngả mình dưới bóng cây đa, chạy nhảy quanh sân đình rồi vục tay vào gầu nước giếng khơi mát rượi. Kìa bức tường đá ong thắm đỏ từ sâu trong đất mẹ cứ dãi dầm bền bỉ nắng mưa chạy theo những con ngõ gạch nâu rêu trầm, những ngôi nhà có năm, bảy gian với kèo cột thang chấn. Những chum tương truyền thống, những vò rượu hạ thổ, cánh đồng xanh vàng...thật êm ru đậm đà thuần Việt. Tôi mong nơi ấy sẽ mãi còn những nét cổ kính của hồn quê xứ Đoài, hồn quê làng Việt cũng chính là hồn cốt quê giữa một Hà Nội mà trong hình dung chỉ đầy có phố.
Đúng rồi, Hà Nội nhiều phố lắm. Những con phố, những ngả đường mang tên các vị anh hùng từ thời hào khí đông a, những trạng nguyên tú tài, những chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, hay tên tuổi bao văn nghệ sĩ, bác sỹ, cho đến các vĩ nhân chính khách có công lao to lớn với xã hội. Nhắc tới Hà Nội, ai có thể không biết tới nhà văn Thạch Lam cùng bút kí “Hà Nội băm sáu phố phường”, bóng dáng phố xưa với những ngành nghề nhộn nhịp buôn bán. Những con ngõ không tên nằm bé mọn, nép vào lòng thủ đô nhưng sự lạc quan lại khổng lồ đến từ những người đang ở đó.
Hoàng thành Thăng Long khi xưa là nơi cấm thành thiết triều vì bình an xã tắc và chính nơi đây bộ chính trị quân uỷ trung ương họp bàn tác chiến sách lược để nam bắc thống nhất một nhà những năm chống Mỹ. Thì hôm nay, giữa thời bình, trong toà nhà quốc hội, các khu trung tâm chính trị và văn phòng chính phủ tại Hà Nội, các vị lãnh đạo đứng đầu đất nước ta vẫn ngày đêm tận tâm đức, tận trí tài với những chính cương sách lược nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát triển ổn định mọi mặt của đất nước. Cha ông ta đã chọn vị trí đắc địa làm kinh đô thì hà cớ gì lớp con cháu không bỉ bền gây dựng. Đó là một hành trình nhẫn nại, sáng suốt không tránh khỏi những tồn đọng vướng mắc khó khăn. Hà Nội chưa bao giờ chùn bước.
Tôi gửi gắm lòng mình vào một Hà Nội dịu dàng để giao thoa với những cung bậc không lời ngân lên từ mạch nguồn văn hiến. Tôi thấy nỗi niềm chứa chan bên ánh mắt một giảng viên hay một bác sỹ nghỉ hưu sau hành trình cống hiến với nghề nghiệp. Sớm tối, họ viết sách, làm thơ và chăm chút cho mảnh vườn nho nhỏ. Bên ô cửa đèn khuya, có cô giáo trung niên vẫn âm thầm vén vun mảnh đất lòng để ươm gieo những hạt bình minh trong veo nảy mầm bên đôi mắt trẻ. Những nhân viên công sở hoạt bát năng động, những người thợ trong nhà máy thoăn thoắt giỏi giang. Người hoạ sỹ Bùi Xuân Phái khi xưa với bút cọ khẽ khàng, vẽ Hà Nội không thấy mỏi. Có Nhà văn Vũ Bằng viết “Miếng ngon Hà Nội” mới ấm lòng mời gọi làm sao. Còn nhiều lắm những nét đẹp thanh tao mà người ta tự hào và trân trọng. Giọng hát trầm bổng ngọt ngào như têm lời của phố, tiếng ghi ta nâu hay tách cà phê thẫm mầu, hương trà thơm, thoảng bay theo tiếng chuông nhà thờ đổ. Phấp phỏng quẩy bộ, gánh hàng rong xuôi ngược tự bao giờ, khi kẽo kẹt đợi chờ lúc khẩn trương hoan hỉ. Người đánh giày tỉ mỉ , người xích lô, người xe ôm tranh thủ chợp mắt vì muốn đợi khách lúc cạn ngày. Bóng người phụ hồ lom khom giữa bê tông sắt thép. Những ước mơ của bao thế hệ sinh viên tươi đẹp muốn học tập trau dồi, tiếp bước truyền thống “con lạc cháu hồng” mai này dựng xây non sông. Bao du khách nước ngoài đặt chân tới Hà Nội với nước lọc, ba lô. Họ trầm trồ về một Hà Nội giản dị đời thường, không phô trương kiêu hãnh.
Có người sinh ra ở Hà Nội, có người từ nơi khác chuyển về. Có người rời tỉnh rời quê đến nơi đây mưu sinh tạm trú. Ai đỏng đảnh mà rằng văn hoá Hà Nội- một Tràng An đang từng ngày mất đi. Hãy chầm chậm để nghe, hãy từ từ để thấy, những giá trị truyền thống mãi còn kín kẽ tiềm sâu theo nếp phố nếp nhà. Dung hoà hay phân loại, chấp nhận hay khước từ, đó chẳng phải là một điều khó làm ư. Ngay trong chúng ta, ưu nhược điểm cũng luôn tồn tại những điểm cộng trừ, hài hoà xen mâu thuẫn. Bởi vậy, tôi yêu Hà Nội vì những điều vốn có hơn là vốn phải. Yêu thương, tự hào không đơn thuần chỉ là quyền mà còn là hai tiếng nghĩa vụ, nghĩa vụ với trái tim của cả nước, trái tim khoẻ mạnh thì non sông gấm vóc mới tráng kiện huy hoàng và để trái tim vững nhịp là khi cả nước hướng về gìn giữ, dựng xây và đồng hành sâu sắc. Hà Nội đất chật người đông nhưng phúc hậu thảo thơm ấm nồng mà đời người mấy ai từng có thể.
Tôi trở lại thăm Hà Nội vào một ngày cuối thu khi lòng đầy mong nhớ. Tôi thấy mình của hơn mười năm về trước cùng chúng bạn ăn phở, ăn kem, uống trà đá, đạp vịt ở hồ Tây, chạy xe dưới con đường cổ thụ bóng cây, hít hà bao vòm hoa sữa, nheo mắt mà tìm quả sấu năm nào. Cốm thơm chia nhau lao xao. Bàn tay nắm khẽ của tuổi đôi mươi cùng ánh nhìn rất vội để lòng cứ chật chội vì đựng kín cả xốn xang. Hà Nội vẫn trầm mặc rêu phong, cổ kính Thăng Long. Hà Nội dẫn tôi đi một vòng có nghe tiếng lòng tôi đang thốt lên vì ngỡ ngàng với những đổi thay rõ rệt. Không gian đô thị Hà Nội với những toà cao ốc, khu chung cư, những khu trung tâm vui chơi giải trí, các tuyến đường mới và mở rộng. Bao hệ thống hầm chui cầu vượt trên các nút giao thông trọng yếu. Những hồ nước, công viên, cây xanh được sửa sang cải tạo. Kìa, vài nhóm các bác cao tuổi đang nhẹ nhàng động tác dưỡng sinh, các bạn trẻ đang thích thú chụp cho nhau những bức hình. Tiếng em bé vui khanh khách trong vòng tay bố mẹ. Rực rỡ chiếc áo dài, lịch lãm bộ veston, Hà Nội tựa chiếc cầu vồng mà lứa đôi trao nhau tình yêu đầy lãng mạn. Cô bán hoa dừng lại bên vỉa hè bán cho bao người qua lại. Tôi chưa thấy một chiếc xe đạp nào đẹp lung linh như thế. Nụ cười của cô, nụ cười của hoa. Chao ôi! Hà Nội đẹp mê mẩn kiêu sa. Bấy nhiêu giác quan trong tôi lúc này chẳng có gì ngoài hai tiếng Hà Nội.
Tôi muốn kể về Hà Nội dẫu chỉ một phần nhỏ thôi góp vào mênh mông tuyệt vời của Hà Nội mà bao người đang kể. Người gắn bó, người ở lại, người ra đi, người lúc thì, đâu thể dối lòng từng ít nhiều vấn vương Hà Nội. Hà Nội chưa từng kén chọn hay đòi hỏi cho mình tất cả những lẽ phải điều hay. Tôi thương Hà Nội từ gần đến xa, thương bằng tất cả sự thật thà của một công dân bé nhỏ. Hà Nội luôn ở đó mộc mạc kiên cường, hiền hoà diễm lệ và sôi nổi bao dung. Có người ví Hà Nội như một cô gái thanh tân hay một chàng trai vạm vỡ. Hà Nội cũng có thể là một cụ già, một em thơ, là bất cứ ai trong chúng ta bây giờ. Một Hà Nội chưa từng có tuổi. Một Hà Nội yêu dấu đầy từ hào, mãi trong cẩm nang tôi.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...