Thứ bảy, ngày 03 tháng 05 năm 2025
07:25 (GMT +7)

Bên thềm xuân, bên lề ký ức

Gần Tết. Khắp khoảng không bao phủ trong làn mưa bụi mỏng manh. Tôi về nhà sau một ngày đầy mệt mỏi. Giữa dòng xe cộ tràn ngập phố phường đông đúc, một chiếc xe đạp cũ chở đầy những bó hoa đủ màu đang từ từ trôi qua mắt tôi. Tôi mua cho mình một bó hoa Cát tường thanh tú cùng vài cành Violet. Kỳ lạ thay, mỗi khi nhìn thấy hoa Cát tường, tôi cảm nhận Tết đang gần kề, với những ký ức xao xuyến cả trời mây, phảng phất trong gió có mùi của Tết.

Nhớ về những ngày Tết xưa, sáng tất niên, mẹ luôn dắt tôi đi chơi chợ hoa, chọn lựa những bông Thược dược đủ màu, kết hợp với Violet, Cúc vàng, hoa Lay-ơn... Năm nào cũng thế, trong nhà tôi nhất định phải có một bình Cát tường ở góc bàn, có như vậy mới ấm cúng, mới thấy Tết đã tới bên thềm, Tết đã vào nhà. Từ bao giờ, kỷ niệm ấy đã đi vào tiềm thức của tôi, tạo thành một thói quen, một tình yêu hễ cứ Tết về là gợi nhớ. Ngoài chợ Thái, các hàng bán lá dong xếp ngổn ngang lối đi. Hoa Đào, hoa Lan, mấy chậu cây cảnh... giăng mắc khắp các nẻo đường. Những hàng hoa Tết khiến những con đường thêm rực rỡ. Mỗi góc phố đều tràn đầy không khí xuân. Đồ trang trí Tết được bày bán trên vỉa hè nơi những người lớn tuổi cẩn thận và tỉ mỉ chọn mua các loại sành sứ, tiểu cảnh mang về trang trí nhà, cắm vào đó một cành Đào phai.

Trong những ngày chuẩn bị, việc gói bánh chưng làm cho mọi người háo hức hơn cả. Các bà các mẹ rủ nhau rửa lá dong, vo gạo ngoài sân gạch. Đôi bàn tay đỏ lạnh vẫn rôm rả tiếng cười nói, sưởi ấm cả góc trời cuối đông đầu xuân. Tối đến, bố tước lá, mẹ đồ đỗ xanh, bà gói những cái bánh vuông vức. Cả gia đình hòa mình vào không khí Tết. Mùi hạt tiêu, nước mắm, thịt mỡ núng nính của bánh chưng phả hương trong không gian. Bánh chưng sôi “lịch sịch... lịch sịch”, hơi lửa ấm quyện với khí trời lạnh được trộn thêm mùi thơm của bánh chưng đang sôi cứ dâng lên phảng phất. Tết đặc biệt nhất đối với những đứa trẻ như tôi.

Những ngày giữa tháng Chạp, bà thường mua các loại trái cây về làm mứt. Đó cũng là dịp để các bà thể hiện tài “nữ công gia chánh” của mình. Đám cháu trong nhà sán lại, xem bà “sên” mứt. Những miếng dừa trắng ngần, những lát gừng vàng óng được bà sên trên bếp, thơm lừng cả không gian. Có lúc tôi vụng về nhón trộm một miếng mứt còn thơm lừng vị ngọt, chưa kịp giấu thì đôi mắt hiền từ của bà đã bắt gặp. Bà chẳng mắng, chỉ nhẹ nhàng xoa lên mái tóc rối bù và cháy nắng của tôi, ánh mắt đầy yêu thương như gom cả sự bao dung của một đời người. Kí ức ẩn hiện, nhưng chắc chắn khoảnh khắc ấy - Tết tràn vào lòng đầy nhất, khiến tôi nhớ đến nhiều nhất. Bởi vì Tết đối với trẻ con là để chơi vui, mặc đẹp và ăn ngon.

Hăm ba tháng Chạp, các nhà náo nức cúng ông Công ông Táo. Nhớ mãi cảm giác thích thú khi được ngồi sau xe đạp của anh trai chiều cuối năm lên hồ thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời. Anh trai tôi đỗ xe sát mép hồ rồi khẽ khàng đổ cá xuống. Cá vàng lao mình xuống làn nước, mang theo ước nguyện tốt lành của người ở lại. Hai anh em tôi đứng dõi theo những chú cá chép ẩn hiện nương theo sóng hồ bơi xa mãi trong chiều cuối năm. Đứng bên hồ, nhìn bóng tà nghiêng ngả, tiếng trẻ con reo vang bên tai, lòng tôi thấy lạ lùng một niềm vui trong trẻo.

Sau ngày ông Táo, là những ngày tảo mộ ở quê. Những người ở xa về sớm, người ở làng tảo mộ vào chiều 30 tết. Tia sáng lặng lẽ trôi về trong sắc nắng dịu nhẹ, lấm tấm những đốm hoa dại trên đồng mang theo hơi thở của đất trời. Bước chân chậm rãi, lòng người bỗng lắng lại, nhẹ nhàng như thể thời gian cũng ngưng đọng trước mộ phần tổ tiên. Không hiểu sao, cái mùi nhang thoang thoảng với không khí kẻ vào người ra cứ theo tôi đến tận bây giờ khi nhớ về cái thuở xa xăm ấy. Kí ức ẩn sau mỗi hương vị, mỗi hình ảnh, không bao giờ phai mờ, gieo vào hồn người một thứ lắng đọng khó quên.

Với tôi, Tết còn gắn liền với hình ảnh những chuyến xe khách cuối năm, chở theo bao hối hả của người xa xứ và những chuyến hàng gấp gáp trở về. Chợ cuối năm nhộn nhịp, mấy cô, mấy chú tranh thủ bán nốt vài ba chậu quất, cành đào nơi bến xe, mong kịp về nhà trước thời khắc giao thừa. Người đi chợ, kẻ bán hàng, tất cả đều náo nức, tay xách, tay mang, vội vàng mua sắm cho kịp phút đoàn viên. Dường như khi Tết cận kề, ai cũng tất tả hơn để cho kịp - kịp trở về với bữa cơm gia đình, với hơi ấm chốn thân quen. Khi xa nhà, âm thanh gọi con ở bến của những chuyến xe xa xứ trôi qua vẫn vang vọng trong giấc mơ tôi làm tôi bồi hồi nhớ vị quê hương.

Đóa hoa Cát tường trên tay như níu tôi về với nếp nhà xưa cũ, giữ lại sự chỉn chu giữa nhịp sống vội vàng. Giữ một nếp nhà, phong tục cũ. Sắc hoa như níu cả hồn quê vào sắc bánh chưng vuông trên nền sân gạch đỏ, làm lung linh thêm ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ phương xa, nhắc chúng nhớ về chốn thân thuộc để trở về.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những buổi ngày xưa nói vọng về (*)

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Một ngày không có hoàng hôn

Văn xuôi 4 ngày trước

Biển bỗng khóc òa

Văn xuôi 5 ngày trước

Thương nhớ đỗ quyên

Văn xuôi 1 tuần trước

Mẹ nấu xôi gấc

Văn xuôi 1 tuần trước

Thiên thần của mẹ

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước