Thứ bảy, ngày 24 tháng 05 năm 2025
16:46 (GMT +7)

Đình Cúc Lùng - một di tích sơn thủy hữu tình

Đình Cúc Lùng thuộc xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 1945, đình Cúc Lùng thuộc xã Phú Đô, tổng Tức Tranh, huyện Phú Lương.

Quang cảnh đình Cốc Lùng
Quang cảnh đình Cốc Lùng

Theo bản kê khai Thần tích – Thần sắc xã Phú Đô, tổng Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên do Lý trưởng xã Phú Đô, tổng Tức Tranh khai năm 1938 thì đình Cúc Lùng thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương chính là danh tướng Dương Tự Minh, một vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý (thế kỷ XII).

Theo sử sách chép: Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương thời nhà Lý, nay thuộc đất phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ông được triều Lý giao trọng trách là Thủ lĩnh phủ Phú Lương - vùng biên giới rộng lớn khu vực phía Bắc nước ta, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ yên cương vực phía Bắc của Tổ quốc. Là một vị Thủ lĩnh tài giỏi, đức độ nên ông là một trong những người nằm trong diện thực hiện chính sách “nhu viễn”. Đây là một trong những chính sách đối nội quan trọng được áp dụng đối với các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn nhằm rằng buộc đối với các vị thủ lĩnh người dân tộc. Những người này không chỉ có thế lực về mặt kinh tế, quân sự mà còn được nhân dân địa phương tin tưởng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ nhà Lý) đều có chép về Dương Tự Minh. Dương Tự Minh không chỉ là người đứng đầu phủ Phú Lương, mà hơn thế ông đã trở thành người thay mặt cho triều đình nhà Lý cai quản toàn bộ các công việc hành chính và quân sự vùng rừng núi dọc theo biên giới khu vực phía Bắc Đại Việt. Năm 1144 nhà Lý đã gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh, phong làm Phò mã lang. Năm 1145, có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi cầu hiền tài cứu nước. Lúc này Dương Tự Minh xin gặp nhà vua để xung phong diệt giặc cứu nước. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. 

Quần thể di tích đình Cúc Lùng nằm trong khu rừng cây cổ kính thâm nghiêm
Quần thể di tích đình Cúc Lùng nằm trong khu rừng cây cổ kính thâm nghiêm

Gần 30 năm làm quan của triều vua Lý, Dương Tự Minh đã có nhiều công lao trong việc giữ yên một vùng biên cương phía Bắc Đại Việt. Làm Thủ lĩnh Phủ Phú Lương, ông đã giúp Nhân dân nơi đây có cuộc sống bình ổn và phồn thịnh. Chính vì vậy, sau khi ông mất, nhân dân một vùng rộng lớn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, có nhiều nơi dựng đền, đình, miếu thờ Dương Tự Minh là thần, là Thành hoàng làng trong đó có đình Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương.

Sau này, các triều đại phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn ban sắc phong Dương Tự Minh là “Thượng đẳng thần”. Trong tâm thức của nhân dân, Dương Tự Minh đã trở thành một vị thành hoàng, một vị thánh để che chở, phù hộ cho cộng đồng cư dân được bình yên. Đồng bào Sán Chay đến định cư trên địa bàn xã Phú Đô từ nửa đầu thế kỷ XIX. Trải qua nhiều thế hệ, để tồn tại và phát triển, họ đã tích lũy được một kho tàng tri thức địa phương và tập quán tộc người rất phong phú và đa dạng trong ứng xử với thiên nhiên. Họ có quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan tất cả các cây cối, sông, suối đều là thần linh và có vai trò rất quan trọng chi phối trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Cộng đồng nơi đây đã xây dựng nên những ngôi đình, miếu làm nơi thờ các thánh, thần và nhân dân địa phương đến thực hành tín ngưỡng và để tạ ơn các vị. Vì vậy, cùng với thờ danh tướng Dương Tự Minh, đình Cúc Lùng thờ các vị thần là: Ông Công Hà Bá; Thần Nông, Thổ kỳ; Cây đa bóng mát thờ đại nhân thần.

Đình Cúc Lùng được nhân dân địa phương xây dựng nằm bên hữu dòng sông Cầu thuộc xã Phú Đô, huyện Phú Lương cùng với những dải đồi chè xanh ngắt, đặc trưng của cảnh quan nơi đây. Từ xa, đình Cúc Lùng tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng, dưới tán nhiều cây cổ thụ thuộc xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô với một không gian cổ kính và tĩnh mịch, yên bình. Cho đến nay, chưa tìm được tài liệu xác định thời gian khởi dựng của đình Cúc Lùng. Thông tin từ các cụ cao tuổi trong làng cho biết đình được xây dựng từ trước năm 1871 vì khi 4 đời gia đình các ông đến sinh sống trong khu vực này thì đã có đình. Từ năm 1871 đến nay, đình đã trải qua 3 lần đại trùng tu vào năm 1968, năm 1991 và gần đây nhất là năm 2007. Nhân chứng địa phương cho biết: “Trước kia đình có 4 cột cái to có đường kính khoảng 1m làm bằng gỗ xoan, được chia thành 3 gian, thượng cung làm bằng gỗ và có cầu thang “độc mộc” đi lên. Thượng cung thường ngày sẽ đóng cửa chỉ mở cửa vào các ngày lễ. Đình có hệ thống sàn ở hai bên  để quan khách ngồi dự lễ, khi quan viên hành lễ sẽ thực hiện ở gian giữa. Đến năm 1991, nhân dân địa phương tu sửa đình. Hiện nay, trong đình còn 8 cột gỗ là kết quả của công cuộc trùng tu năm 1991.

Đình Cốc Lùng được xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào năm 2023
Đình Cúc Lùng được xếp hạng Di tích cấp tỉnh

Đình Cúc Lùng được xây dựng theo lối truyền thống, bố cục mặt bằng kiểu chữ Nhất, tường xây gạch, bộ khung mái kiểu vì kèo. Đình có hướng chính là hướng nam trông ra dãy núi “Tời Pho”, phía sau đình là Núi Kính (nay gọi là Núi Hích) và dòng sông Cầu uốn lượn xung quanh. Đình có diện tích khoảng 50m2, chia thành 5 gian, chiều rộng 11.9 m (gian thứ nhất rộng 2,1m; gian thứ hai rộng 2,29m; gian chính giữa rộng 2,3m. gian thứ tư rộng 2,3m, gian thứ năm rộng 2m) và chiều sâu 7m. Khoảng cách từ nền đình đến thượng lượng 4,4m. Từ nền đình đến quá giang 4,1m. Hiên rộng 2 m. Đình có hệ thống mở không có cửa. Kết cấu nhà xây gạch vữa, tường chịu lực, khung mái bằng sắt, lợp fibro xi măng. Bàn thờ làm bằng bê tông, xây liền vào tường. Ban thờ gian giữa cao 1,1m, dài 3,3 m, rộng 2,3m. Ban thờ chính  thờ Dương Tự Minh; gian bên phải thờ Thần Nông (ở phía ngoài) và thờ ông Hầu Văn Tài - là người được dân làng suy tôn là người đầu tiên có công khai khẩn đất đai và ông Nông Văn Hiếu được coi là thợ cả tu sửa đình vào năm 1871. Trong khuôn viên đình có ngôi miếu thờ thổ thần - Miếu Cô. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ. Theo nhân chứng cho biết, cây đa có từ lâu đời và gắn liền với ngôi đình, chu vi gốc cây khoảng 4,5m. Quanh đình có nhiều cây thụ như: cây đa, cây gạo, cây dổi, cây sấu.

Nhân dân làm lễ tại đình Cốc Lùng
Nhân dân làm lễ tại đình Cúc Lùng

Đình Cúc Lùng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Cộng động người Sán Chay chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên các thời gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng sẽ phụ thuộc phần lớn với thời gian nông lịch. Việc thờ cúng thành hoàng và các vị thần linh được nhân dân địa phương coi trọng, nó là sợi dây gắn kết cộng đồng. Để bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá đình Cúc Lùng, UBND xã Phú Đô đã hướng dẫn, chỉ đạo và  phối hợp với cộng đồng địa phương quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy