Thứ ba, ngày 20 tháng 05 năm 2025
22:01 (GMT +7)

Mùa người

Mùa người” là cuốn tiểu thuyết lịch sử của tác giả Phan Thái, gồm XXI chương. Bằng tâm thức và điểm nhìn sau 50 năm thống nhất đất nước, tác giả tái hiện và diễn giải một giai đoạn lịch sử. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều tù binh, hàng binh được đưa về Thái Nguyên, trong số đó một bộ phận cùng bộ đội, dân công và công nhân khai thác than tại Phấn Mễ. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, tù binh, hàng binh được ta trao trả cho Pháp. Nhiều hàng binh (khi đó gọi là người Việt Nam mới) tình nguyện ở lại… Ký ức của những người trong cuộc giữa nhịp sống hiện đại cho ta thêm một góc nhìn về mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc chương I tiểu thuyết “Mùa người”.

 

Một lằn chớp sáng găm thẳng vào ngực, tôi thấy cơ thể mình bị nổ tung, thịt xương vương vãi. Trong chốc lát, không gian biến thành một biển mây khổng lồ đặc sánh. Tôi quằn quại đau đớn trong cô độc. Bỗng nhiên một bàn tay cứng như thép ghì chặt và ném tôi qua cánh cửa thép cháy đen treo lủng lẳng đầu lâu xương ống. Toàn thân nhói buốt giật lên từng hồi. Tôi thò tay sờ vào ngực lấy ra trái tim mình, trái tim vẫn đập và không hề nguội lạnh. Chung quanh tối đen như mực. Hình như tôi đang ở một nơi nào đó thật xa, tách biệt với thế giới tôi từng sống và có lẽ là miền đất ăn thịt người.

Mùa người

Lý trí mách bảo tôi phải mạnh mẽ đứng lên, bất chấp nguy hiểm để kiếm tìm một khoảnh khắc của sự sống. Một tiếng nói trầm đục phát ra từ đêm tối: “Xin chào! Cuối cùng thì ngươi cũng đến”. “Nhà ngươi là ai?”. “Ta không là ai cả, ta chỉ là đồng đảng của ngươi, hay nói cụ thể là chính ngươi”. “Ta đang ở đâu, thiên đường hay địa ngục?”. “Không phải thiên đường, cũng không có địa ngục. Mọi thứ đều do những kẻ như ngươi vẽ ra”. “Ta thấy những đầu lâu xương ống…?”. “Đó là những người đã chết, chết tức tưởi. Ngươi đã không đếm xỉa đến họ”. “Ta chỉ là kẻ múa bút, có thể làm được gì?”. “Hãy để họ được sống như họ đã sống. Nhìn nhận họ đúng mực là bổn phận ngươi”. Tôi thấy mắt mình nảy hoa cà hoa cải trước bóng đêm đen như than, lổn nhổn những hình thù lạ hoắc. Tôi hét lớn: “Cho ta ánh sáng”. “Ánh sáng chỉ có từ lý trí của ngươi”. “Tôi ôm đầu, lục lọi trí óc và lạ thay, trước mắt tôi là cả một khoảng không xanh ngắt, nắng chan hòa. Bất ngờ từ dưới cỏ những thân người rách rưới tiều tụy hiện lên lũ lượt kéo tới. “Các ngươi là…”. “Ta là những thây ma trong con chữ của ngươi”. Tôi rùng mình ớn lạnh, cố hình dung mình đã từng phóng bút vô cảm khi miêu tả thế nào, nhưng không thể nhớ. Một thây ma lại gần bên tôi ôn tồn: “Thật ra ngươi cũng không đáng trách. Kẻ đáng trách chính là sự vô tâm của người đời. Nơi vùi xác bọn ta đã là núi. Những hồn ma phiêu dạt không còn nơi trú ngụ. Hàng triệu khối đất đá thải đã cướp đi nơi trở về duy nhất”. “Thì ra các người là phu mỏ bị chết trong thời Pháp thuộc?”. “Đúng thế. Họ vùi xác bọn ta tại nơi bây giờ là bãi chứa đất đá thải”.

Tôi chợt thấy tỉnh táo lạ thường và biết mình đang trò chuyện cùng các hồn ma lưu lạc. Không muốn để họ thất vọng, tôi hắng giọng nói thật chậm rãi: “Nếu trách người đời thì các anh đã lầm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những nấm mồ không một tấm bia, không một biển chỉ dẫn đó là nghĩa địa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, vùng mỏ rơi vào hỗn loạn. Cụ Chương, người trực tiếp khâm niệm và chôn cất các anh bị quân Nhật bắn chết. Hàng ngàn người thợ theo cách mạng trong suốt chín năm kháng chiến, nhiều người trong số họ đã hy sinh. Tôi nghe nói thế hệ sau này đã lấy ngôi miếu trên núi Đá Xô làm nơi hương khói cho những người đã khuất…”. Một quầng sáng lạnh lẽo chụp xuống người, tôi cố giãy giụa vùng vẫy để thoát ra khỏi quầng sáng ấy. Và lạ thay, tôi thấy mình đang chới với bên bàn máy vi tính, trước mặt là những con chữ trong cuốn tiểu thuyết viết dở về vùng mỏ.

Không muốn để giấc mơ kỳ lạ, huyền bí trôi buột khỏi ký ức, tôi tìm gặp ông Giới. Nghe tôi kể lại cặn kẽ và lặng đi hồi lâu, ông thong thả như lần theo ngày tháng trong hồi niệm: “Tôi ít học nên không hiểu nhiều...! Có điều giữa duy vật và duy tâm có những điều rất khó lý giải. Ngày đó phu mỏ không được coi là con người. Ai chết bất kỳ vì dịch bệnh hay tai nạn đều được cho vào túi bạt và chôn cất tại nơi nào đó thuận tiện, gọi nôm na là bãi tha ma. Quanh khu mỏ có vài cái như thế. Tôi cũng không nhớ đích xác nó nằm ở vị trí nào, thời gian cảnh vật đã thay đổi tất cả. Mặt khác người chết vô số, ví dụ như năm 1942 chết hơn hai trăm người. Đận thợ mỏ chết nhiều quá, có những hố chứa vài chục thi thể. Nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945, người tứ xứ đổ về kiếm ăn chết đói la liệt khắp phố Giang Tiên, phố Giá. Lính Bảo an phải huy động cả phu mỏ đánh xe bò nhặt xác đổ xuống hố chôn. Bọn tôi ai cũng nghĩ một ngày mình cũng sẽ giống họ, bởi ròng rã hàng tháng liền phải rau cháo qua ngày. Ngay các bãi tha ma còn lại bên cầu Đát Ma, Làng Cẩm, Giang Tiên cũng không còn dấu tích nhiều ngôi mộ thời ấy. Mưa gió đã xóa nhòa các nấm đất…

Tôi lái xe đưa ông Giới từ phố Giá xuống Giang Tiên sang phố Cẩm. Dẫu đã đi cùng ông mấy lần như thế này, mỗi lần nghe ông kể các câu chuyện ngày xa xưa, tôi lại thấy lòng mình trào lên những cảm xúc thật khác lạ. Cảm xúc ấy giống như tâm trạng của người con xa quê lâu lắm trở về. Năm tháng những người thợ bị bóc lột và đói khổ đến cùng cực, tôi vẫn chỉ là hạt bụi không rõ ở phương trời nào.

- Đây là dãy nhà ở của khoảng 500 thợ, góc bên kia khoảng 400. Dưới rặng cây qua khúc ngoặt đó là dãy nhà của đàn bà con gái, trên 300… Gọi là nhà vì nó là nơi ở. Thực tế mọi căn nhà đều là những mái gianh tàn tạ, thưng bằng đất trộn rơm rạ, hoặc các mảnh bìa cát tông cũ. Một số nhà sang lắm được lợp bằng giấy dầu, thứ người Pháp đưa sang lợp xưởng máy và bị thải ra khi thay bằng mái tôn.

- Cháu tiếc tòa trụ sở của mỏ, các tòa biệt thự chủ Nhất, chủ Nhì ta không giữ lại được để làm địa điểm tham quan. Có lẽ duy nhất còn lại là khung bê tông đổ nát của Nhà máy điện Giang Tiên.

- Cách nhìn nhận mỗi thời mỗi khác. Lúc đó ta chỉ muốn đập bỏ hết để nhường chỗ cho cái mới. Vùng mỏ này người Pháp đến khai thác với vị thế của kẻ xâm lược. Sau năm 1954, nhiều tù binh Pháp thua trận ở Điện Biên trở lại khai thác cho ta với góc độ kẻ bại trận.

 - Khu trại tù binh Pháp ở đâu ạ?

 - Ở con đường chính của mỏ đi vào, phía dưới chân núi Đá Xô. Họ đã làm việc thực sự nhưng với một tâm thế khác. Một số tù binh, hàng binh tình nguyện ở lại lấy vợ người Việt và sinh con đẻ cái. Mãi sau này họ mới lần lượt trở về nước. Nghe nói có ông trở thành tổng thống nước cộng hòa nào đó thuộc Pháp...

Không để vuột cơ hội, tôi vội hỏi:

- Ông có biết gì thêm về người trở thành tổng thống đó không?

- Một lần trở lại Việt Nam, ông Anicet có nói với tôi. Tuy nhiên, đó không phải làm cách mạng, mà là đảo chính. Vì thế tôi không quan tâm.

- Rất có thể đó chỉ là cách gọi khi nhân dân dùng bạo lực giành chính quyền!

Ông Giới quả quyết:

- Không hẳn như vậy! Ông ta lợi dụng sức mạnh của quần chúng cướp chính quyền, chính phủ vẫn do Pháp bảo hộ. Người dân không được hưởng tự do độc lập, thực chất chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.

Nhớ vài lần trò chuyện, bà con Giang Tiên kể thi thoảng có các tù binh, hàng binh xưa và con cái của họ sang Việt Nam du lịch, họ đã đến thăm miền đất này, tôi lựa lời:

- Cháu được biết nhiều người trở về nước, họ tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân.

- Điều đó ai cũng biết, nhưng thời cơ cho họ làm cách mạng chưa chín muồi. Các đảng phái họ tham gia cũng không có đường lối đúng để quy tụ mọi tầng lớp nhân dân. Một số con cái của hàng binh ở lại Việt Nam, họ vẫn duy trì liên hệ, anh có thể tìm hiểu thêm.

Trong cuốn tiểu thuyết “Bình minh máu”,  tôi đã tái hiện giấc mơ và các nhân vật chủ yếu liên quan đến cuộc nổi dậy giành chính quyền của công nhân mỏ, cũng như cuộc gặp gỡ với ông Normandy, con trai vị chủ mỏ Lavastre thời kỳ trước năm 1945 tại Mỏ than Phấn Mễ khi ông sang Việt Nam làm việc và đến thăm mỏ.

Và một sự tình cờ luôn âm ỉ thôi thúc, khiến tôi không thể dứt ra được để chuyển sang sáng tác các tác phẩm văn học đề tài mới.

***

Sự tình cờ bắt nguồn từ ngày tôi biết anh Ninh Trọng Lương khi đang công tác tại Mỏ than Phấn Mễ. Thời điểm đó đất nước ta mới thực hiện công cuộc đổi mới chưa lâu, đời sống của hơn một ngàn cán bộ công nhân còn nhiều khó khăn. Hầu hết mọi người đều đi xe đạp, anh Lương đã phóng chiếc xe máy mới tinh của Liên Xô đi làm. Lúc đó anh và vợ đang là công nhân của mỏ. Biệt danh “Lương tây” của anh lần đầu tôi được nghe, khi anh là cầu thủ của đội bóng đá phân xưởng Vận Tải với các đường đi bóng lắt léo. Chiếc xe anh có là nhờ ông bố bên Pháp gửi tiền về cho con.

Ấn tượng với “Lương tây”, tôi cất công tìm hiểu và được biết bố anh Ninh Trọng Lương là ông Anicet. Ông Anicet sinh ra tại Martinique, mồ côi cha mẹ từ rất sớm và phải đi làm để mưu sinh. Tháng 7 năm 1949 Anicet 19 tuổi và gia nhập quân ngũ. Không lâu sau Anicet cùng đơn vị bị đưa sang Việt Nam. Anicet hòa hợp rất nhanh và trong một thời gian ngắn đã nói được tiếng Việt. Ông được giao lái xe chở nước, xăng dầu cho các đơn vị của quân đội Pháp tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Tình yêu của ông và cô gái bán hàng cho một cửa hiệu tên là Bùi Thị Đạm nảy nở. Đạm cũng mồ côi cha mẹ và mới ở quê lên làm thuê. Hai người thành vợ thành chồng như một duyên phận. Một thời gian sau, vợ ông sinh hạ đứa con trai, hai người đặt tên là Gio. Được ông bác của vợ là cán bộ kháng chiến giác ngộ, ông đã hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mang vũ khí ra hàng. Sau chiến tranh, ông không trở về Pháp mà ở lại Mỏ than Phấn Mễ làm công nhân.

Thời gian sau đó, vợ ông có thai và sinh đôi Lương và Liên trong trạm xá, bà không đủ sữa nuôi 2 đứa trẻ. Gần đó có vợ chồng người bạn đã sinh lần thứ 3 nhưng không được, tới xin Lương làm con nuôi.

Năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt cho máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, anh em họ mạc bên Pháp liên hệ với hai chính phủ đón vợ chồng ông về nước, để lại Lương với bố mẹ nuôi…

Ông Anicet lúc mới về làm công nhân xây dựng, sau đó tham gia phong trào cách mạng Martinique. Ông được bầu làm thành viên Ủy ban địa phương Fort de France. Vợ ông làm vườn, rồi cuốn nem mang ra chợ bán.

Trò chuyện với tôi xung quanh tờ báo Pháp dành một trang viết về gia đình và tài liệu nói về ông Anicet, anh Ninh Trọng Lương tâm sự: Sau khi trở về Pháp và có công việc ổn định, ông Anicet tìm mọi cách liên lạc với gia đình người nuôi anh Lương nhưng bất thành. Chiến tranh tại Việt Nam khi đó diễn ra ác liệt, người bên Pháp sang Việt Nam rất hãn hữu, phương tiện liên lạc cá nhân không có. Mãi năm 1975 ông mới liên lạc được với gia đình thì anh đã nhập ngũ và vào chiến trường miền Nam. Năm 1981 anh chuyển ngành về Mỏ than Phấn Mễ. Năm 1989 ông Anicet làm thủ tục đón anh sang Pháp và sinh sống tại Martinique, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm ở phía Đông vùng biển Caribbean, là một trong các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, thủ đô là Fort de France. Mới đầu anh làm đầu bếp cho nhà hàng của người anh cả. Sau đó thấy người bạn của anh là người Việt mới nhập quốc tịch Pháp có con tầu đánh cá, anh xin đi theo. Nghề đánh cá không quá vất vả nhưng lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Được khoảng 6 tháng anh trai Lương yêu cầu quay về làm việc tại nhà hàng của anh.

Năm 1991 anh xin phép bố mẹ về Việt Nam sinh sống. Quyết định trở về của Lương bị cả gia đình phản ứng gay gắt, bởi ông Anicet đang lo thủ tục bảo lãnh vợ con anh sang Pháp. Đất của gia đình rất rộng, lại đã có sẵn nhà. Anh chị em vì biết anh nhiều năm vất vả nên sẵn sàng nhường hết. Ông Anicet nổi nóng: “Mày điên à? Nếu mày về, tao coi như không có mày”. Tuy nhiên, ở bên đấng sinh thành, nhưng với anh là đất khách quê người. Không gì bằng quê hương bản quán. Việt Nam tuy còn nghèo nhưng là đất nước đang phát triển. Thái Nguyên là nơi anh sinh ra, lớn lên và có nhiều kỉ niệm. Ngoài tình cảm của bà con xóm phố, còn các mối quan hệ bạn bè, đồng đội từng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng anh trong quân ngũ đến làm thợ mỏ. Nơi đáng sống không phải là nơi có cơ sở vật chất, tiền bạc, mà là nơi ấm áp tình người, tình đời.

Khi Lương trở về nước, nhiều cuộc điện thoại không chỉ hỏi thăm tình hình và còn muốn anh cùng vợ con sang đoàn tụ. Lẽ dĩ nhiên là anh đã xác định. Bố mẹ anh dần dần cũng hiểu tình cảm của con với nơi chôn nhau cắt rốn theo phong tục người Việt. Ông bà đã về Việt Nam 4 lần, trong đó có lần đưa các con gồm cả dâu rể sang cùng. Cách đây vài năm ông lại làm thủ tục sang Việt Nam, không may chuyến đi ấy ông chưa kịp bay, đang nghỉ tại khách sạn thì ốm và qua đời. Anh Lương cũng sang Pháp 3 lần, trong đó có một lần cùng vợ. Lần cuối anh sang là năm 2016.

Tôi vô cùng xúc động khi xem những hình ảnh về đám tang của ông Anicet tại quê nhà Martinique. Trước lúc lâm chung, ông dặn lại muốn linh cữu của mình được phủ lá cờ Việt Nam như những cựu chiến binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Gia đình và đồng chí của ông đã thực hiện trọn vẹn tâm nguyện đó trong giờ phút tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng…

Lật giở từng trang cuốn album lưu niệm của vợ chồng anh Ninh Trọng Lương, tôi khá bất ngờ bởi gia đình vẫn lưu giữ cẩn thận các bức ảnh ông Anicet chụp trong những lần về Việt Nam. Một trong số đó có bức ảnh ông chụp cùng bạn bè Mỏ than Phấn Mễ.

Thời gian đã lùi xa, lớp cán bộ công nhân lớn tuổi chỉ biết những người bạn của ông Anicet đã nghỉ chế độ từ lâu và không rõ hiện đã cùng con cháu chuyển tới địa phương nào. Trong một dịp tình cờ trò chuyện với cụ ông nguyên là cán bộ ủy ban trên địa bàn, tôi mở điện thoại cho cụ xem bức ảnh, cụ đã nhận ra bà Xoan và cho tôi địa chỉ nơi bà sinh sống.

***

Bà Xoan tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt và phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn rất minh mẫn. Nghe tôi hỏi về những ngày đầu vào mỏ làm công nhân sau khi từ nơi tản cư trở về, nghĩ tôi có ý định viết lịch sử truyền thống của mỏ, bà vui vẻ kể lại khá tỷ mỷ về cuộc sống lao động, sinh hoạt của bộ đội, công nhân, dân công, tù binh, hàng binh trong khôi phục sản xuất. Bà bảo thời gian đầu chưa có lương, chỉ được cấp gạo hoặc thóc đem về tự xay giã, nhà ở đều bằng tre nứa, bảo hộ lao động chưa có, dụng cụ làm việc cũng thiếu, nhưng mọi người đều hồ hởi, vui tươi. Các khu tập thể tối nào cũng rộn rã tiếng đàn hát…

Nghe bà kể hồi lâu, tôi đưa cho bà xem bức ảnh chụp cùng ông Anicet và những người bạn. Bà lặng nhìn và rơm rớm nước mắt:

- Sinh, lão, bệnh, tử, đời người không thể tránh. Ông Anicet và những người trong ảnh đã về với tiên tổ. Tôi cũng như lá sắp rụng về cội…

Không muốn bà nặng lòng nghĩ về quy luật sự sống, tôi ý nhị:

- Hình như thời ấy, bà có yêu một tù binh người da màu?

- Không có chuyện ấy đâu. Ông Anicet là người biết rõ nhất, đó là ân nhân cứu tôi suýt bị chết đuối, tên là Ka rel. – Bà Xoan lấy một lá trầu không thong thả têm như để vơi bớt sự xúc động – Tù binh Pháp về mỏ làm than thời gian rất ngắn, chỉ vài tháng. Số hàng binh mãi sau này mới về nước. Trước hôm được trao trả, anh ấy có đến chào bố con tôi và hẹn sẽ có ngày trở lại Việt Nam… Ông Anicet cho tôi biết, ông nghe tin anh ấy sang tận Cu Ba chiến đấu và hy sinh năm 1959.

Các bậc cao niên sau đó tôi gặp ít người nhớ tên Ka rel. Nghe tôi nhắc đến chàng thanh niên cứu cô Xoan gặp nạn và là người lái xe đầu tiên của mỏ, các bác vui vẻ nhớ lại: Người đó còn biết chơi kèn Harmonica, thường dẫn đầu nhóm văn nghệ của tù binh giao lưu. Đó là một người da màu gày gò nhưng khá cao lớn, hiền lành. Anh không có vẻ gì là một tù binh, mà như một người Việt Nam mới đích thực.

Dù rất công phu tìm hiểu, tôi vẫn không biết tại sao từ một tù binh châu Phi được trao trả, Ka rel lại cầm súng chiến đấu trong đội quân cách mạng Cu Ba tại châu Mỹ la tinh.

Trong trái tim tôi, Cu Ba và lãnh tụ Fidel Castro là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của nhân dân Cu Ba. Tôi đã đọc nhiều tài liệu và vô cùng kính phục ý chí sắt đá của ông và đồng đội. Từ những hạt giống cách mạng do chính tay Fidel Castro ươm trồng trong cuộc tiến công pháo đài Moncada ngày 1/1/1959, quân cách mạng tiếp tục nổi dậy lật đổ chính quyền quân sự Batista, mở ra chặng đường mới trên hòn đảo tự do và tạo nên những đổi thay to lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trong cuốn hồi ký của mình, Fidel Castro đã nhắc tới những cống hiến lớn lao của các chiến sĩ quốc tế. Đương nhiên do khuôn khổ cuốn sách, Fidel Castro không thể nhắc được hết tên tuổi và chiến công của họ…

Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi miền đất đều có bao điều đáng nhớ như chương sách với những con chữ bình dị. Nguồn tư liệu cho tôi hình dung về bức tranh toàn cảnh vùng mỏ Phấn Mễ năm 1954.

Sau rất nhiều suy tư, trăn trở, tôi quyết định viết những dòng này về mùa than đầu tiên của mỏ. Xin được bắt đầu từ thời điểm dân tộc ta làm nên chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đám cưới đêm giao thừa

Văn xuôi 6 ngày trước

Máy xay ngô

Văn xuôi 1 tuần trước

Những buổi ngày xưa nói vọng về (*)

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một ngày không có hoàng hôn

Văn xuôi 3 tuần trước

Biển bỗng khóc òa

Văn xuôi 3 tuần trước

Thương nhớ đỗ quyên

Văn xuôi 3 tuần trước