
Góc biếm họa số 7 (2025)

Khi cái lạnh cuối đông bắt đầu dịu lại, không còn cảm giác rét buốt co ro từ đôi bàn tay xoa xuýt vào nhau, hơi thở không còn phả ra làn khói trắng. Trong sáng sớm những tia nắng mỏng manh, bắt đầu len lỏi truyền chút hơi ấm vào không gian mờ ảo của màn sương. Nhìn ngắm những cành đào, cây mai được bày bán đã dần khoe sắc, búp hé nở li ti, chồi non lộc biếc đầy nhựa sống ở phố hoa trong khu chợ thị xã như báo hiệu một mùa Xuân đang về, một cái Tết gần chạm ngõ. Với người lớn, những ngày cuối năm là thời gian của bộn bề lo toan nhưng với lũ trẻ, Tết chỉ đơn giản là ngày được nghỉ học, được chơi đùa thỏa thích, thưởng thức bao món ngon và kẹo bánh đầy ắp. Không khí cuối năm mang theo sự háo hức khó tả, như một bản nhạc rộn ràng sắc xuân trong mắt trẻ thơ – niềm vui lan tỏa không giấu nổi trong từng ánh nhìn.
Trẻ con thị xã như chúng tôi không phải theo bố mẹ những ngày giáp Tết đi phụ giúp buôn bán ở chợ, một công việc vất vả để bố mẹ kiếm thêm những đồng thu nhập cuối năm lo cho cái Tết đủ đầy. Thay vào đó, chúng tôi thường phụ bố mẹ làm việc vặt trong gia đình như quét nhà, lấy toàn bộ cốc chén ra rửa sạch, lau bụi trong các khe tủ bàn ghế… dù đôi lúc vụng về trượt tay làm vỡ một vài cái cốc sợ bị mẹ mắng nhưng mẹ chẳng giận, chỉ mỉm cười trìu mến dặn dò chúng tôi phải cẩn thận hơn sợ các con đứt tay vì mẹ hiểu rằng sự tham gia của con là biểu hiện của sự háo hức và mong muốn được góp phần công sức nhỏ nhoi chuẩn bị đón Tết.
Những ngày cuối năm cũ, nụ cười của bọn trẻ rạng rỡ, hớn hở hơn bao giờ hết khi được bố mẹ dẫn đi chợ Tết, tay trong tay len qua những gian hàng đầy sắc màu để chọn cho mình bộ quần áo mới tinh tươm, đôi giày thơm mùi vải mới. Những bộ quần áo ấy không chỉ đơn thuần là món quà đầu năm, đó là tấm áo thần kỳ khiến bọn trẻ thấy mình đẹp đẽ, đặc biệt hơn hẳn, như chạm đến chút phép màu của ngày xuân. Sáng Mùng 1, trong trang phục mới, chúng nô nức khoe với bạn bè, tự tin đến từng nhà chúc Tết họ hàng, nhận lời chúc cùng phong bao đỏ thắm. Niềm hạnh phúc khi khoác lên mình sắc màu mới của mùa xuân ấy chẳng phải chỉ là niềm vui nhất thời, mà còn đọng lại thành một kỷ niệm thật đẹp và dịu dàng về Tết trong tâm hồn thơ trẻ, theo chúng suốt những năm tháng sau này.
Đặc biệt hơn nữa, lũ trẻ chúng tôi hiểu thế nào là cảm giác một gia đình có ông bà, bố mẹ, anh chị em sum vầy đón Tết, sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi nồi bánh chưng thơm phức trên bếp lửa. Trẻ con nào cũng mê mẩn cái cảnh được ngồi bên bếp lửa bập bùng, hít hà hương thơm từ lá dong và gạo nếp. Được bố mẹ hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn, từ cách xếp lá, đổ nếp vào khuôn, đặt lớp đậu xanh vàng óng ở giữa, rồi khéo léo gấp các mép lá lại thành hình vuông vức, mỗi chiếc bánh chưng là thành quả gói ghém bao yêu thương của cả nhà. Bố cẩn thận buộc dây, xếp từng chiếc bánh chặt rồi cho vào nồi lớn, để rồi bọn trẻ chúng tôi hí hửng quây quần bên bếp lửa đỏ hồng, canh chừng từng giờ nước cạn. Trong lúc chờ nồi bánh chưng chín, chúng tôi lại hăm hở với món giò lụa sống mà mẹ đã chuẩn bị sẵn. Những miếng giò lụa đầy đủ gia vị và được đập mỏng đều tay được bọc lá chuối rồi kẹp vào vỉ, đặt lên bếp lửa than đỏ hồng nóng rực để nướng. Mùi thơm đặc trưng của giò nướng thoảng mùi tiêu, tỏi và thịt nướng dần dần lan tỏa khắp gian bếp nhỏ, thật khó ai cưỡng lại được.
Khi lớp lá chuối bên ngoài đã cháy xém, bọn trẻ chúng tôi liền tranh nhau lấy ra, vừa thổi vừa cắn. Vị ngậy bùi nóng hổi hòa quyện cùng vị ngọt của thịt và hương thơm của gia vị, miếng giò chưa kịp nguội đã nhanh chóng biến mất. Tiếng cười giòn tan của lũ trẻ xua tan cái lạnh của đêm cuối năm, để lại trong lòng mỗi đứa một ký ức ngọt ngào, ấm áp mà ai cũng muốn giữ mãi trong tim… Để rồi cùng nhau chờ đợi đêm 30 Tết, giây phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi kim đồng hồ chạm đúng 12 giờ, tiếng pháo hoa bắt đầu vang lên ở trung tâm thị xã, ánh sáng rực rỡ bung nở, ngập tràn những sắc màu lung linh. Đám trẻ nhỏ mắt tròn xoe, ngẩng cao đầu, say mê ngắm nhìn từng tia pháo hoa lấp lánh, mỗi chùm pháo như mang theo những ước mơ bay cao, bay xa. Trong những khoảnh khắc nhiệm màu ấy, lũ trẻ cảm nhận rõ rệt rằng năm mới đã thực sự về, mang theo bao điều mới mẻ...
Sáng Mùng 1, trong những bộ quần áo mới tinh tươm thơm phức mùi vải, chúng tôi náo nức chờ đợi từng lời chúc mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ và nhận phong bao lì xì đỏ thắm, trong lòng ngập tràn niềm vui. Những tờ tiền mới toanh trong phong bao tuy không lớn về giá trị nhưng chứa đựng niềm tin hy vọng của người lớn dành cho chúng tôi như lời chúc một năm mới an lành, hạnh phúc. Tết là lúc thỏa sức đắm mình trong niềm vui ngọt ngào từ những món kẹo bánh đầy màu sắc. Những hộp bánh quy giòn rụm, kẹo dẻo đủ vị chanh, dâu, và mứt trái cây sặc sỡ bày thịnh soạn trên bàn. Mỗi viên kẹo không chỉ thơm ngọt mà còn mang theo cái cảm giác háo hức đặc biệt của ngày Tết - cái cảm giác chỉ có một lần trong năm, khi đó được phép ăn thoải mái mà chẳng lo bị mẹ nhắc nhở. Niềm vui của trẻ con không chỉ là tiền mừng tuổi mà còn là cảm giác trưởng thành thêm một chút khi được cha mẹ, ông bà trao lì xì với nụ cười âu yếm, là được trở thành một phần của truyền thống ấm áp và cảm nhận rõ sự gắn kết giữa các thế hệ, sự truyền lại của những giá trị gia đình thiêng liêng qua từng lời chúc.
Mỗi mùa Tết đi qua đều để lại trong lòng chúng tôi những ký ức như in dấu mãi trong tim, trở thành hành trang quý giá nuôi dưỡng chúng tôi suốt những năm tháng trưởng thành, để khi nhìn lại luôn thấy những ngày xuân ấy thật ngọt ngào và thân thương.
Anh Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...