Thứ năm, ngày 08 tháng 05 năm 2025
09:05 (GMT +7)

Lượn ví – một sáng tạo từ hát Ví của người Tày Định Hóa

Về sự ra đời của hát ví trên đất Định Hóa, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã cho biết, hát ví vốn là loại hình dân ca dân dã của người Kinh thuộc Bắc Bộ, Trung bộ… phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỉ XV đến XVII, khi các triều vua cho xây dựng đình chùa để thờ thần thánh và những vị anh hùng dân tộc có công tích trong các cuộc chống giặc ngoại xâm, nhằm chế ngự thiên nhiên, kiến thiết đất nước, góp phần giữ gìn bờ cõi… Đồng thời, đình chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân cư. Từ đặc điểm đó, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ được ra đời và phát triển mạnh mẽ, trong đó có hát ví.

Hát ví Tày tập thể
Hát ví Tày tập thể

Do việc xây dựng đình chùa lan rộng trong cả nước nên các vùng đất miền núi xa xôi, hẻo lánh, trong đó có huyện Định Hóa (ngày nay) nhiều công trình công cộng (đình, chùa…) cũng bắt đầu được hình thành. Ngày đó, do nghề mộc, nề và kĩ thuật mĩ nghệ… của đồng bào người dân tộc ít người ở vùng núi còn non kém nên đã có những làn sóng những người thợ từ miền xuôi du nhập lên để giúp người dân nơi đây trong công việc xây dựng. Trong những dòng thợ người Kinh tài hoa từ khắp các vùng miền đất nước ấy có nhiều người thợ đồng thời là những nghệ nhân, ca nương văn hóa văn nghệ. Đó là điều kiện để các làn điệu dân ca, đặc biệt là hát ví thâm nhập vào vùng đất Định Hóa và dần dần trở thành một trong mười làn điệu dân ca vốn thịnh hành trong huyện như then, sli, lượn, nàng hai, noọng ới, phong slư…

Qua nhiều thế kỉ trôi qua, đến nay có thể có tới hàng nghìn ca từ hát ví được lưu hành ở nhiều xã trên huyện Định Hóa như Định Biên, Phúc Chu, Thanh Định… Những ca từ hát ví mang nặng nội dung và nghệ thuật của người miền xuôi đã xuất hiện và được người dân miền núi Định Hóa tiếp biến để trở thành nét văn hóa của chính dân tộc mình. Đó là những lời ca mang vẻ đẹp bình dị, những hình ảnh gắn bó với đời sống lao động, thông qua lối ví von so sánh mà cả người Kinh lẫn người Tày thường sử dụng để nói lên vẻ đẹp thanh tao và lòng son sắt thủy chung của lứa đôi, chồng vợ:

Đôi ta đã hẹn lời thề

Thành chồng thành vợ không lìa xa nhau

Đôi ta như thể trầu cau

Mặn cay vân vỏ nên câu chuyện tình

Đôi ta như lá trên cành

Lâu năm càng thắm, càng dành càng xanh

Đôi ta như thể nắng hanh

Nhuộm xanh cho lá nhuộm tình cho duyên

Nhiều đời nay, ví đã được lưu hành trên đất Định Hóa. Có một điều không thể không nhắc tới, đó là trong sự tiếp nhận hát ví từ miền xuôi, các nghệ nhân và ca nương đất Định Hóa đã sáng tạo thêm một thể loại bằng cách kết hợp giữa lượn (người Tày) và ví (người Kinh) để đưa ra một thể loại mới mà người địa phương nơi đây gọi là lượn ví. Hát ví và lượn ví là kết quả của sự giao thoa, hòa hợp ngoạn mục giữa hai phong cách nghệ thuật của hai miền xuôi, ngược.

Có được sự sáng tạo này, bởi xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Trước hết là về nội dung ca từ, hát ví và lượn đều hướng về chất trữ tình và rất giàu tính nhân văn. Nội dung ca từ của lượn cũng thường có những lời khuyên, lời chúc, mừng, lời tỏ tình, lời rủ nhau đi vào đường tình, đường nghĩa… là tiếng nói nối nhịp tình yêu đôi lứa, dành riêng cho tuổi nụ, tuổi hoa đi tìm hạnh phúc lứa đôi giống như của hát ví. Về nghệ thuật, Ví và Lượn cũng luôn mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, đậm chất dân gian, dễ tiếp nhận.

Hát ví đôi
Hát ví đôi

Ta còn nhận thấy có sự tinh tường của các nghệ nhân đất Định Hóa khi họ chọn lượn chứ không chọn sli để sáng tạo thành lượn ví. Tuy sli và lượn là hình thức dân ca chung của người Tày và người Nùng nhưng phong cách nghệ thuật của sli thường nói thẳng, trực diện còn của lượn thường nói kín, nói xa, nói bằng hình tượng nên gần gũi với hát ví hơn. Lượn và ví cũng có những nét khá giống nhau về hình thức diễn xướng là thường hát đôi, hát đối đáp và địa điểm hát, trang phục cũng không cầu kì. Tuy hát lượn cần đàn, sáo nhưng khi đã trở thành lượn ví thì các loại nhạc cụ này cũng được loại bỏ. Đó cũng là một mặt khác nhau giữa lượn thuần túy và lượn ví.

Nhưng ví và lượn có một điểm khác nhau cơ bản là ví hoàn toàn sử dụng thể lục bát là thể thơ truyền thống của người Kinh, còn lượn lại sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú hoặc trường thiên. Theo các nghệ nhân dân gian ở Định Hóa thì để lượn ví có thể song hành với hát ví, chủ yếu dựa vào hai nguồn ca từ: Nguồn thứ nhất là lấy ca từ của lượn truyền thống (và hiện đại) vốn có của người Tày (có thể dịch ra tiếng Kinh) để diễn xướng theo làn điệu ví và hình thức đơn giản… của hát ví, nghĩa là không gian, địa điểm không cầu kì, không phải dựa vào các lễ hội; không cần sân khấu, âm nhạc; trang phục cũng không cần quần áo, son phấn mà chỉ là cách ăn mặc thường ngày. Trai gái (dù chỉ là một đôi hay cả một đám đông) gặp nhau, ở phiên chợ, trên sườn đồi, ven sông ven suối, lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi, hoặc tình cờ gặp nhau… là có thể lượn ví. Khác với các thể loại dân gian như hát then, sil, lượn, pụt… dù đơn giản nhưng vẫn cần một số nhạc cụ phối hợp. Ví như:

Cằm ngòa noọng nòn bấu đắc

Nghe tiếng khảm khắc loọng mà

Khảm khắc bấu lo tối mần loọng

Cũng như là duyên noọng giờ này

Kừn vằn dú quanh quý tương tư

Căm bút viết phong thư thăm bạn

Nộc én nhà mưa phương

Một mình dú nhấn duyên lặc háy 

Dịch:

Đêm qua em ngủ không say

Nghe tiếng chim hót gọi về

Chim kêu không đủ đôi chim hót

Cũng như là duyên em vui quá

Ngày đêm em ở buồn bã nhiều

Cầm bút viết thư hỏi thăm bạn

Chim én bay lượn khắp bốn phương

Một mình em ngồi buồn duyên thầm khóc

Hoặc:

Nữ:

Vằn ngoà pây háng noọng pây đai

Ngắm nả ngắm lăng mí hắn chài

Háng đông slao báo tồng khâm khỏ

Nám tha ái tốc puồn puồn lai

 Dịch: 

Hôm trước đi chợ chỉ mình em

Anh hẹn không đến em bắt đền

Chợ đông trai gái lòng ấm ức

Nước mắt chảy dài bực phận duyên

Nam:

Noọng ơi noọng đang du tì hâu

Ngắm suổn khuổi khau pá gioóc lầu

Siết xương lai lẳm tàng mốc chấp

Tăng nả ngòi buôn roọng mè đao

Dịch: 

Em ơi em đang ở đâu đấy

Ngắm núi ngắm cây héo lòng gầy

Yêu mến em nhiều lòng quặn thắt

Ngẩn mặt nhìn trời lãng đãng mây

Nguồn thứ hai là được dịch từ ca từ hát ví của người Kinh du nhập lên Định Hóa sang tiếng Tày.

Chúng ta đều biết, thể thơ lục bát vốn không phải của người Tày, mà khi dịch, các nghệ nhân và các ca nương Định Hóa vẫn giữ nguyên thể lục bát, hơn nữa, do âm của hai thứ tiếng khác nhau nên đôi khi trong khi dịch cũng khó tránh khỏi sự vênh lệch nhất định. Tuy vậy, hầu như điều này cũng không ảnh hưởng nhiều khi diễn xướng. Ta có thể tham khảo:

Tình thư gửi gắm người xa

Dẫu rằng cách biển bao la vẫn gần

Tình không vương chút mặn mà

Dẫu gần gang tấc vẫn là xa xôi

Bão mưa xin hày ngừng trôi

Để ta gửi gắm đôi lời nhớ nhung

Tới bên người bạn tri ân

Cho trời lại sáng nắng hồng lên cao

Dịch:                                                                             

Thư chài phác hẩư cần quây

Quần khau, quây pế kỷ quây vận mà

Lẹ là ná nghịa nắc na

Dú sầu cháp mừ mà vận pần quây

Phuôn lầm hay dặng ná pây

The lầu phác hẩư căn là điếp slương

Thả cần bạn nghĩa nắc na

The buôn lùng đét, chiều mưa tỳ phuông

(Nông Đình Thon cung cấp)                                            

                            *                             

Nửa đêm gà thiến gáy quanh

Láng giềng ngủ hết còn anh với nàng

Chàng về bảo mẹ cùng cha

Sắm tiền ra chợ mua gà xem chân.

Một chân xem cửa xem nhà

Một chân xem vợ chồng ta thế nào

Chồng ta tốt số làm giàu

Có tài buôn bán lộc là vinh hoa                                           

Dịch:

Chang kừn cay thón khăn quenh

Bản mướng nòn suổn, nhằng ca với nhình

Chài mừa kạ me cùng pa

Xa chèn dự cáy ău mà phó kha

Kha nưng phó tú, phó lườn

Kha nưng phó thố, phua, mìa tương duyên.

Phua lầu nhạc thố hắt quan

Mì tài puôn pán, lộc là đảy lai.

(Lý Văn Phẩm cung cấp)

Các câu lạc bộ hát ví Tày ở huyện Định Hóa thường xuyên tập luyện
Các câu lạc bộ hát ví Tày ở huyện Định Hóa thường xuyên tập luyện

Như đã nói ở phần trên, từ hát ví, các nghệ nhân người Tày Định Hóa đã sáng tạo ra lượn ví, đã góp phần làm phong phú thêm cho thể loại văn nghệ dân gian này. Nó đã tạo ra một sự hòa hợp tâm hồn của con người giữa các vùng đất, giữa phong cách nghệ thuật của hai miền xuôi, ngược.

Hồ Thủy Giang 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy